Bài viết nêu lên những nét khái quát về tình hình tam giáo thời vua Lý Nhân Tông, cũng như thái độ của nhà vua đối với Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Vua Lý Nhân Tông đã có một thế ứng xử rất minh triết đối với cả ba giáo và do đó, đã tạo nên một sự ủng hộ hết sức to lớn của cả ba giáo này với triều đại của ông. Nhãn quan chính trị dung hợp tam giáo uyển chuyển của nhà vua phù hợp với ưu thế, mặt mạnh riêng của mỗi đạo trong việc hình thành thế chân vạc về hệ tư tưởng của người Việt thời kỳ này. Vua Lý Nhân Tông (1066-1127) là con của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi ỷ Lan. Ông lên ngôi năm 1072, trị vì 56 năm. Dưới triều đại của ông, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn làm ăn, cả văn học và quân sự đều phát triển. Ông được coi là vị vua giỏi của triều Lý. Dưới thời Lý Nhân Tông, cùng với sự phát triển đặc biệt của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cũng rất được coi trọng và phát triển. Hiện tượng tam giáo đồng nguyên này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của xã hội, tạo nên một đời sống tinh thần phong phú ở thời kỳ này. Tìm hiểu thái độ của vua Lý Nhân Tông đối với tam giáo sẽ giúp chúng ta lý giải được phần nào mối quan hệ nhà nước với tôn giáo dưới thời Lý, cũng như nguyên nhân thịnh trị của xã hội ở thời kỳ này. 1. Thái độ của vua Lý Nhân Tông đối với tam giáo Đại Việt sử ký toàn thư có nhận xét về vua Lý Nhân Tông như sau: "Vua trán dô mặt rồng tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân chúng được đông giàu, minh được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt"(1). Chỉ với mấy dòng ngắn gọn như vậy nhưng sử gia đã cung cấp cho ta hình ảnh vua Lý Nhân Tông là một vị vua có nhiều phẩm chất lý tưởng về tài đức của một nhà vua Nho giáo nhưng cũng rất chuộng mộ Phật giáo và Đạo giáo. Vua Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý, lên ngôi trong bối cảnh đất nước thái bình, thịnh trị, nên được kế thừa những thành quả xây dựng triều đại về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa từ các vị vua trước đó. Sự coi trọng tam giáo với nền tảng là Phật giáo trong tư tưởng trị nước đã được thiết lập từ các triều vua trước, tiếp tục được Lý Nhân Tông duy trì và phát triển. Bộ máy quản lý nhà nước theo mô hình Nho giáo của Trung Quốc xây dựng từ thời Lý Thái Tổ ngày càng được củng cố. Phật giáo vốn đã được sùng mộ từ thời Lý Thái Tổ, đến thời Lý Nhân Tông được Hoàng thái hậu ỷ Lan tôn sùng đã trở thành một lực lượng mạnh, có ảnh hưởng lớn cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Bên cạnh hai phái Thiền Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông thịnh hành dưới triều Lý thì Mật giáo từ một nhánh Phật giáo kết hợp với Đạo giáo đã có ảnh hưởng rộng rãi từ thế kỷ trước, đến thời kỳ này lại càng phát triển. 1.1. Đối với Nho giáo Trước thời Lý Nhân Tông, mặc dù triều Lý đã thiết lập được bộ máy chính quyền trung ương tập quyền quản lý đất nước nhưng về thực chất, quyền lực và ảnh hưởng của nhà Lý chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Lý Nhân Tông chú trọng việc củng cố bộ máy chính quyền trung ương và mở rộng quyền lực thực sự. Ông tìm thấy vai trò của Nho giáo trong việc tổ chức bộ máy triều chính, tuyển chọn quan lại để tăng cường sức mạnh quản lý của chính quyền trung ương. Sau khi lên ngôi một năm, năm 1073, nhà vua xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Đây là kỳ thi Nho học đầu tiên của Việt Nam, chọn được hơn 10 người và thủ khoa là Lê Văn Thịnh về sau làm đến chức thái sư. Năm sau, 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám và chọn những người biết chữ trong quan viên văn chức cho vào học. 10 năm sau, năm 1086, nhà vua mới tổ chức tiếp kỳ thi chọn người văn học vào Viện hàn lâm. Kỳ thi này, Mạc Thiên Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn lâm học sĩ. Trần Trọng Kim nói: "Sự Nho học của ta khởi đầu thịnh lên từ thời bấy giờ"(2). Như vậy, cùng với việc tiếp tục cất nhắc những người hiền lương, có tài văn võ vào bộ máy nhân sự, vua Lý Nhân Tông là vị vua đầu tiên của Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ quan lại một cách bài bản, sử dụng trí thức Nho học vào bộ máy nhân sự. Từ đó trở đi, khoa cử được sử dụng như một phương pháp quan trọng để tuyển chọn người hiền tài vào bộ máy triều chính. Dần dần, cùng với sự mở rộng và phát triển giáo dục Nho học thì khoa cử cũng ngày càng được hoàn chỉnh và trở thành phương thức chủ yếu của nền giáo dục và đào tạo nhân sự cho chính quyền phong kiến Việt Nam. Và, lịch sử Nho học đã góp phần làm nên truyền thống nghìn năm văn vật của Thăng Long, của Việt Nam đã được khởi đầu từ thời vua Lý Nhân Tông. Cùng với việc khởi đầu phép khoa cử lấy làm đường lối lựa chọn người hiền tài vào bộ máy nhà nước, vào năm 1089, vua Lý Nhân Tông đã tổ chức lại bộ máy triều chính một cách hệ thống theo mô hình quản lý của Trung Quốc bằng việc định quan chế, chia văn võ ra làm chín phẩm, quan hầu vua và các chức tạp lưu. Từ đây, các chức quan trong triều, ngoài các châu quận mới được quy định một cách bài bản, rõ ràng(3). Như vậy, với việc định quan chế, tổ chức lại hệ thống quan lại, sửa sang việc chính sự, định khoa cử và giáo dục theo Nho giáo, Lý Nhân Tông đã bước đầu thiết lập những điều kiện quan trọng nhất chuẩn bị cho Nho giáo dần dần chiếm được vị trí quan trọng trong đạo trị nước và trở thành hệ tư tưởng thống trị trong đời sống chính trị ở các triều đại sau. Và điều quan trọng hơn là, cùng với việc mở đường cho Nho giáo phát triển thì đường lối trị nước theo Nho giáo ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc củng cố nhà nước trung ương tập quyền. Đó là bước đi hợp quy luật lịch sử. 1.2. Đối với Phật giáo Lý Nhân Tông là một trong những vị vua sùng mộ đạo Phật nhất thời Lý. Chịu ảnh hưởng của Hoàng thái hậu ỷ Lan, ông là người ủng hộ Phật giáo trên cả phương diện tôn giáo và kinh tế. Có thể nói, dưới sự bảo trợ của vua Lý Nhân Tông với sự hậu thuẫn của Hoàng thái hậu, Phật giáo thời kỳ này đã phát triển tới mức huy hoàng cả về mặt tổ chức, số lượng chùa và tăng ni, tiềm lực kinh tế và tư tưởng giáo lý. Về mặt tổ chức, Lý Nhân Tông tiếp tục truyền thống từ các đời vua trước, coi trọng vai trò cố vấn và nhất thống Phật giáo của các vị cao tăng. Năm 1088, nhà vua phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư để hỏi việc nước. Cũng trong năm này, ông cho phân hạng các loại chùa trong nước thành hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm Đề cử (chuyên quản lý ruộng đất và tài sản của nhà chùa). Như vậy, Lý Nhân Tông tiếp tục lấy Phật giáo làm quốc giáo, coi Phật giáo là phương tiện thống nhất nhân tâm, củng cố sự thống nhất và uy quyền của triều đại về mặt tôn giáo. Tuy nhiên, về mặt chính trị, với việc ủng hộ sự phát triển của Nho giáo, Lý Nhân Tông đã phần nào giới hạn ảnh hưởng của Phật giáo trên chính trường. Kể cả vai trò Quốc sư của Khô Đầu cũng chủ yếu là trên lĩnh vực tôn giáo chứ không hẳn là trên lĩnh vực triều chính(4). Đồng thời, việc đặt quan văn làm chức Đề cử để quản lý tài sản nhà chùa cũng là một chính sách quản lý tôn giáo rất hay của Lý Nhân Tông trong việc giải bài toán quan hệ nhà nước và tôn giáo, vừa giúp cho việc thống nhất về tổ chức, quản lý Phật giáo, vừa giúp Phật giáo phát triển một cách hệ thống và quy củ mà không ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.(4) Việc tổ chức các lễ hội Phật giáo, nhà nước hóa các lễ hội này cũng được Lý Nhân Tông đặc biệt coi trọng. Dưới thời cai trị của ông, lần đầu tiên chúng ta biết tới Hội đèn Quảng Chiếu như một lễ hội kỳ an của Phật giáo được nhà nước đứng ra tổ chức hết sức huy hoàng. Theo các sách sử thì lễ hội này chỉ được nhắc tới dưới thời Lý Nhân Tông vào các năm Canh Dần (1110): "Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng”; và vào năm Bính Thân (1116) lại ghi: "Mùa Xuân tháng Giêng tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào đánh chuông” (Đại Việt sử lược); năm Canh Tý (1120): "Mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu”; và vào năm Bính Ngọ (1126): "Mùa Xuân tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nghi thức tắm Phật vào ngày rằm, mồng một hàng tháng và ngày Phật đản mồng 8 tháng 4 cũng được nhà vua định làm lệ thường từ năm 1105. Như vậy, với sự chính thức hóa các ngày lễ hội của Phật giáo, Lý Nhân Tông đã góp phần củng cố vị trí quốc giáo của Phật giáo và phát huy tối đa vai trò thống nhất nhân tâm của Phật giáo vào quản lý nhà nước, nhờ đó tăng cường được uy quyền và ảnh hưởng của chính quyền trung ương đối với các vùng phụ cận(5). Dưới thời Lý Nhân Tông, số lượng chùa được xây dựng và số tăng ni cũng tăng lên đáng kể. Bia chùa Linh Xứng chép: "Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền", nhiều chùa được xây dựng cả ở các vùng dân tộc thiểu số, như chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Hà Tuyên năm 1107(6). Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1097, "bấy giờ trong nước giàu đủ, Thái hậu làm nhiều chùa Phật", năm 1115 "Thái hậu dựng chùa thờ Phật trước sau hơn một trăm chùa"(7). Có thể kể một số chùa được xây dựng và tổ chức khánh thành rầm rộ trong thời này như chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ năm 1118, chùa Tịnh Lự năm 1119, chùa Báo thiên năm 1121, bảo tháp Sùng Điện Diên Linh năm 1122,... Cùng với việc xây dựng nhiều chùa tháp Phật giáo thì số lượng tăng ni tại các chùa này cũng trở nên đông đảo do chính sách khuyến khích tu hành của nhà Lý. Nhiều chùa, số lượng tăng đồ từ hàng trăm tới cả nghìn người như chùa Kiến Sơ của thiền sư Đa Bảo có hơn 100 tăng đồ. Chùa Trùng Minh của sư Thiền Lão có tới hàng nghìn học trò...(8). Việc dựng chùa và khuyến khích dân chúng tu hành như vậy được đông đảo vua quan, hoàng thân quốc thích nhà Lý ủng hộ, đóng góp cả về vật chất và tinh thần. Họ đã bỏ tiền của để xây chùa, lại cúng nhiều ruộng đất cho chùa làm phương tiện sinh sống, khiến cho Phật giáo thời kỳ này trở thành một lực lượng xã hội rất mạnh về kinh tế. Chẳng hạn, Thái hậu ỷ Lan đã cúng 72 mẫu ruộng cho chùa tháp Sùng Điện Diên Linh. Ruộng chùa nhiều, nhà chùa có cả điền nô và của chứa trong kho, nhiều vị cao tăng như sư Không Lộ còn được nhà vua cấp 20 thực hộ như chế độ phong thưởng công thần,... Vì vậy, Lý Nhân Tông còn cử các vị quan văn đảm đương thêm chức Đề cử để quản lý tài sản giúp nhà chùa. Tiềm lực kinh tế mạnh, chùa tháp nhiều, sư đồ đông đảo, điều đó cho thấy Phật giáo thời kỳ này đã được sự nâng đỡ mạnh mẽ của triều đình và phát triển thành một lực lượng có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội to lớn.(5) Vị trí quốc giáo của Phật giáo thời Lý Nhân Tông còn được khẳng định và củng cố thêm trên phương diện tư tưởng với việc nhà vua và các tăng ni hết sức chú trọng phát triển giáo lý Phật giáo. Sử chép, nhà vua đã hai lần cử người sang Tống xin kinh Tam tạng vào năm 1081 và năm 1098. Các kinh này được in và chép tay để lưu truyền. Ngoài ra, các tăng ni trên cơ sở các kinh sách đã đọc và tiếp thu theo sở kiến riêng đã sáng tác nhiều thơ văn mang tính chất là bài kệ hoặc văn bia để truyền giảng giáo lý và tư tưởng triết học Phật giáo một cách ngắn gọn, súc tích. Hiện tượng này đã làm nên một nền văn học thiền rực rỡ dưới triều Lý, đặc biệt là dưới thời Lý Nhân Tông với các đại biểu như Diệu Nhân, Từ Đạo Hạnh, ỷ Lan,... Những vấn đề triết học Phật giáo cao viễn luận bàn về bản thể học như các khái niệm tâm, pháp, không, diệu tính, chân như,... là chủ đề nhận thức luận chủ yếu được đề cập trong văn học Phật giáo thời kỳ này. Đồng nhất Phật với tâm, coi đó là bản thể tối thượng của thế giới vạn pháp là nhận thức chung của cả hai phái Thiền Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông. Đặc biệt, các nhà Thiền học thời kỳ này chú trọng tới khái niệm tâm không, coi việc tu tập Thiền định đạt tới trạng thái tâm không sẽ ngộ được chân lý, giác ngộ được chân như, diệu tính, Phật tính. Cùng với các vấn đề bản thể luận siêu hình, cao viễn đó, các thiền sư còn luận về con đường nhận thức, đạt được Phật tính, chân như. Phái Thiền Vô Ngôn Thông cho đó là con đường trực giác, siêu nghiệm, gạt bỏ ngôn ngữ và tư duy duy lý. Nhà sư Minh Trí cho rằng: "Giáo ngoại (Thiền tông) thì phải truyền theo cách riêng, nguồn của Tổ và Phật là dy hi (không thấy được, không nghe được), nếu ai muốn biện (phân tích) về điều đó thì như là tìm khói trong ánh sáng ảo tưởng"(9). Những đóng góp về tư tưởng bản thể luận và nhận thức luận Phật học nói trên cho thấy tầm tư duy triết học cao siêu của các thiền sư thời kỳ này. Chính tầm cao và sâu của tư duy triết học Phật giáo đó, qua tấm gương tu tập và truyền bá Phật học của các sư tăng, đã tác động tới tư duy chính trị - xã hội thời kỳ này, khiến cho đường lối cai trị của Lý Nhân Tông nói riêng, triều Lý nói chung mang tính khoan hòa, được lòng dân, giàu tính nhân văn. 1.3. Đối với Đạo giáo Đạo giáo rất được coi trọng từ thời Đinh, Lê, đến thời Lý lại càng được coi trọng hơn. Đặc biệt, vua Lý Nhân Tông cũng nổi tiếng là người sùng mộ Đạo giáo. Tuy nhiên, Đạo giáo thời kỳ này kết hợp với Phật giáo, là mật giáo, tồn tại dưới các hình thức như cầu đảo, bùa chú, bắt quyết và các phép linh dị khác. Nhà vua thường mời các vị cao tăng, giỏi phép thuật, như Từ Đạo Hạnh, Minh Không,... làm lễ cầu đảo, bùa chú, chữa bệnh mỗi khi có việc bất thường, như hạn hán, lũ lụt, bệnh tật,... Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thời Lý Nhân Tông, các sử gia chép rất nhiều sự kiện liên quan tới sự ưa chuộng Đạo giáo của Lý Nhân Tông. Như năm 1073, mưa dầm, vua sai rước Phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh, cúng thần núi Tản Viên; năm 1117, không mưa, cầu đảo ở hành cung,... Những buổi lễ cầu đảo này thường do các nhà sư đảm nhiệm. Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho biết, các nhà sư phái Tì ni đa lưu chi không chỉ giỏi về thiền học, mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn của mật giáo và nổi tiếng về phép thuật. Điều đó cho thấy ranh giới giữa Thiền tông và Mật tông, giữa Phật giáo và Đạo giáo thời kỳ này hết sức mơ hồ. Tuy nhiên, chính sự kết hợp chặt chẽ giữa Mật tông và Thiền tông đó càng làm tăng ảnh hưởng xã hội của Phật giáo và củng cố sự sùng mộ của Lý Nhân Tông đối với Phật giáo. Mặc dù vậy, việc sử dụng phép thuật Đạo giáo của Lý Nhân Tông chỉ như những biện pháp bổ trợ cho việc trị nước, an dân và nhà vua cũng không có sự tách bạch rõ ràng giữa Phật giáo và Đạo giáo.(9) 2. Ảnh hưởng quan điểm tam giáo đồng nguyên của Lý Nhân Tông trong việc trị nước Dưới nhãn quan Nho giáo, các sử gia của Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng nhà vua ưa điềm lành, chuộng Phật giáo nên làm lụy cho đức tốt. Tuy nhiên, qua việc khảo sát thái độ của vua Lý Nhân Tông đối với tam giáo như trên, chúng ta thấy nhà vua đã có một thế ứng xử rất minh triết đối với cả ba giáo, tạo nên một sự ủng hộ hết sức to lớn của cả ba giáo này với triều đại của ông. Đồng thời, với nhãn quan chính trị dung hợp tam giáo uyển chuyển, nhà vua một mặt giới hạn dần vai trò của Phật giáo và Đạo giáo chủ yếu trong lĩnh vực tôn giáo - xã hội; mặt khác, tạo ra một số điều kiện nền tảng cho sự phát triển Nho giáo và xây dựng vị thế của Nho giáo trong lĩnh vực chính trị. Điều đó phù hợp với ưu thế, mặt mạnh riêng của mỗi đạo trong việc hình thành thế chân vạc về hệ tư tưởng của người Việt thời kỳ này. Chính sự khôn khéo trong việc xử lý mối quan hệ nhà nước với tôn giáo, sử dụng thế mạnh của tam giáo vào trị vì đất nước của Lý Nhân Tông đã tạo ra thời kỳ bình yên và hùng mạnh hơn nửa thế kỷ cho nhà nước Đại Việt giai đoạn này. Dưới thời Lý Nhân Tông, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đã được bảo vệ một cách oai hùng, vẻ vang. Bằng việc củng cố mô hình nhà nước theo Nho giáo, Lý Nhân Tông đã phát huy được sức mạnh của bộ máy lãnh đạo vào công cuộc giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Dưới thời ông trị vì, năm 1075, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản theo lệnh vua đã chủ động đem quân sang đánh châu Khâm, châu Liêm, châu Ung, phá tan âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Tống. Đến năm 1076, Lý Thường Kiệt lại đại phá quân Tống trên sông Như Nguyệt, tạo điều kiện cho việc đòi lại đất Quảng Nguyên vào năm 1078. Năm 1084, Lê Văn Thịnh đi sứ sang Tống, dùng lý lẽ Nho giáo sắc sảo bàn việc phân định cương giới hai nước và đòi lại được các huyện còn lại khác, giữ trọn cương giới lãnh thổ phía Bắc. Cũng dưới thời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt hai lần đi đánh Chiêm Thành, ngăn chặn sự quấy nhiễu phía Nam bờ cõi, khiến nước Chiêm Thành và các nước phía Nam phải triều cống. Bên cạnh thành tựu về quân sự, chính trị, đời sống kinh tế và văn hóa Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông cũng phát triển rực rỡ nhờ chủ trương trọng thị tam giáo của nhà vua. Đời sống thanh bình, sung túc của nhân dân là điều kiện cho việc phát triển, mở mang chùa chiền Phật giáo. Sự phát triển của Phật giáo và Đạo giáo lại đem tới đời sống tinh thần cao khiết, tươi đẹp, hướng thiện, thuần hòa cho người dân. Nền văn học Phật giáo rực rỡ thời kỳ này cũng góp phần củng cố những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của nền văn hiến Đại Việt. Nền học vấn Nho giáo bước đầu được tạo dựng và nâng đỡ đã ngày càng thể hiện là hệ thống giáo dục đáp ứng như cầu phát triển của đất nước. Sự đồng tôn tam giáo của nhà vua là một trong những nguyên nhân thiết lập và thúc đẩy không gian tôn giáo tự do, hòa bình và tươi đẹp thời kỳ này. Thành tựu phát triển văn hóa Đại Việt nói chung, Thăng Long nói riêng thời Lý Nhân Tông để lại đã trở thành những giá trị tinh thần vô giá. Có thể nói, với vai trò người nhạc trưởng, Lý Nhân Tông đã khơi dậy và tạo điều kiện để dàn nhạc tam giáo hòa thanh tạo dựng những giá trị tinh thần và xã hội đáng quý lâu dài cho nhà nước Đại Việt đang ngày càng hưng thịnh và khẳng định vị thế trong vùng Đông Nam á. Bài học lịch sử về một tư duy chính trị hài hòa, biết kết hợp khéo léo giữa sức mạnh quân sự với sức mạnh tinh thần, giữa chính trị và tôn giáo của Lý Nhân Tông là một giá trị trong tư duy chính trị của dân tộc, đáng để đời sau suy ngẫm.
|