Hôm nay là Chủ nhật, 22/12/2024, 9:52 AM
hmweb-Chia se la niem vui Chào mừng bạn đã ghé thăm Website Văn hóa học Đà Nẵng Online vào Chủ nhật, ngày 22/12/2024, lúc 9:52 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của chuyên ngành chúng tôi. Website chỉ hiển thị tốt trên GoogleChrome và Firefox . Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Vanhoahocdanang.ucoz.net
Đăng nhập hệ thống
Đồng hồ - Lịch hệ thống
Liên kết Website hữu ích
Loading Logos...
Khu vực khách ghé thăm
Đánh giá của bạn
Bạn thấy Website này thế nào
Tổng câu trả lời: 7
Thống kê

Đang online: 2
Khách: 2
Thành viên: 0
TK bởi Ucoz từ 14/3/2012
Phim mới cập nhật
Trang lưu bút
Xem TH SCTV Online
Nghe Đài Online
Chuyển đổi ngôn ngữ
EnglishFrenchGermanSpainItalianDutch

RussianPortugueseJapaneseKoreanArabicChinese Simplified
Tìm kiếm
Đọc báo điện tử online
Thời tiết - giá vàng
Hát Karaoke trực tuyến
Nghe nhạc Online
Hỗ trợ trực tuyến
Admin
             : Mr Đức Chính
             : 0985639026

Xem Tivi Online

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
 
 
Trang chủ » Điều » Văn Hóa Việt Nam

Con rồng trong văn hóa Việt Nam

Nguyễn Phước Tương

 

Con rồng

Trong văn hóa Việt Nam

 

Con Rồng, từ Hán – Việt là Long, là một con vật huyền thoại, có hình dáng rất đặc biệt: đầu kỳ lân có bờm, sừng và râu, mắt lồi, mình dài như rắn, thân phủ vảy như cá, đuôi xoáy tròn, bốn chân có móng như chim ưng, biết bay trên không. Như vậy, hình dáng Con Rồng truyền thống của ViệtNam có những điểm khác với Con Rồng Trung Hoa. Theo nhà phương đông học Léopold Cadière, Con Rồng của nước này có những đặc trưng sau: "Nó có những cái sừng của con nai, cái đầu của con lạc đà, những con mắt quỷ sứ, cái cổ rắn, cái bụng cá sấu, những lớp vảy cá, những móng nhọn của chim đại bàng và những cái tai bò”.

Cũng cần phân biệt giữa Con Rồng và các con vật huyền thoại khác như Con Giao  Con Cù. Có những quy định rõ ràng cho các nghệ nhân trong chế tác hình dáng Con Giao như sau: đầu không có bờm, không có sừng, không có râu, thân nhẵn không có vảy, cổ mảnh, không có chân, không biết bay. Dù sao, nó là Con Rồng hạng thấp, nên đôi khi được gọi là Giao Long. Con Cù mà người Trung Hoa gọi là Câu Long, người Nhật bản gọi là Mamazu, có hình dạng tương tự như Con Giao nhưng sống ở dưới biển mà dân gian cho là nó gây ra động đất và sóng thần.

Con Rồng và biểu tượng cung đình và dân gian

Dưới thời đại phong kiến Việt Nam và Trung Hoa, Con Rồng là biểu tượng của vua chúa. Họ tự cho mình là con trời, là thiên tử. Vua dưới nước, thần làm mưa trong huyền thoại, được gọi là Long Vương; nơi ở của Long Vương làlong cung.

Ở nước ta, Con Rồng biểu tượng cho Hoàng đế làCon Rồng có chân 5 ngón, trong đó ngón cuối cùng nằm đối diện với các ngón khác, vì vậy Con Rồng trong cung điện là Con Rồng có chân 5 ngón. Điều này trở thành một quy định nghiêm khắc của Triều đình, nhất là dưới thời Nhà Nguyễn, nếu ai vi phạm sẽ bị khép vào tội khi quân. Vì vậy, trong các công trình kiến trúc dân gian như đình, chùa... người ta chỉ có thể đắp hay chạm những Con Rồng có chân 4 ngón như đã thấy.

Vua là Con Rồng và hoàng hậu là Chim Phượng nên gọi là Long Phụng. Bởi vậy, trong cung trên các mành trúc của các buồng the của hoàng hậu và các phi tần đều vẽ hình Chim Phượng trong khi đó các mành trúc của cung vua và phòng ở của các hoàng tử đều vẽ hình Con Rồng. Ở trong cung, hoàng hậu và các phi tần thường đội mũ hình Chim Phượng.

Cũng vì lẽ vua là Con Rồng, nên dung mạo vua gọi làlong nhan (mặt rồng), thân thể vua gọi là long thể (thân rồng), ghế ngồi của vua gọi là ngai rồng, giường nằm của vua nằm gọi là long sàng, xe của vua gọi là long xa hay long giá, kiệu có mui của vua là long đình, thuyền của vua là long châu hay long chu, áo dài có thêu hình rồng của vua gọi làlong bào, áo đại triều có thêu hình rồng của vua gọi là long cổn, sân các đình thần chầu vua gọi là long đình (sân rồng) nơi thế tử sống trước khi lên ngôi vua  gọi là long tiềm (rồng giấu mình), khi vua lên ngôi (như Rồng bay lên trời) gọi làlong phi, khi vua băng hà (cỡi Rồng về chầu Thiên Hoàng), gọi là long ngự thượng tân.v.v...

Vì vua là Con Rồng, nên các chiếu chỉ vua ban được quan Nội các Triều đình viết trên loại giấy riêng có in hình rồng uốn mình trong mây cuộn, gọi là giấy long vân hay giấy long ẩn vân.

Trong văn hoá dân gian, Con Rồng là biểu tượng của một con vật linh thiêng nhất trong bốn con vật linh thiêng, gọi là tứ linh, đó là Long, Ly, Quy, Phụng, tức là rồng, lân, rùa, phượng. Những con vật này được thờ và là đối tượng của nghệ thuật tạo hình và trang trí dân gian trong các công trình tín ngưỡng.

Trong quan hệ gia đình thời phong kiến, Con Rồng là biểu tượng của nam giới, của người chồng, trong khi đóChim Phượng là biểu tượng của nữ giới, của người vợ. Vì vậy, trên một bức trướng mừng đám cưới, người ta thêu một đôi Rồng – Phượng cùng bay với nhau. Đó là môtýpLong – Phụng với ý nghĩa chúc phúc và điều đó được tô đậm thêm nếu kèm theo hai chữ hán Song Hỷ với ý nghĩa "Long Phụng sinh trường”.

Con Rồng và truyền thuyết dân gian

Người Việt Nam tự cho rằng mình là con Rồng cháu Tiên gắn liền với truyền thuyết dân gian Âu Cơ – Lạc Long Quân, niềm tự hào của cả dân tộc.

Cho đến nay, nhân dân xứ Quảng vẫn lưu truyền về truyền thuyết dân gian "Bà Chúa tàm tang”. Truyền thuyết kể lại rằng một đêm trăng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cùng thế tử Nguyễn Phúc Lan dạo thuyền rồng trên sông Thu Bồn, khi đến ghềnh Điện Châu thì nghe từ nương dâu ven bờ tiếng hát rất hay của một cô gái đang hái dâu. Cô gái hát rằng:

Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng

Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...

Ngừng một lát, cô gái lại hát tiếp:

Thuyền rồng mái đẩy đi đâu

Để cho thiếp đứng hái dâu một mình...!

Được phép phụ vương, hoàng tử Nguyễn Phúc Lan cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai vương bá đem lòng say đắm người thục nữ kiều diễm vừa độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc. Hình như cuộc kỳ ngộ này được sắp xếp từ trước bởi bàn tay của Ông Tơ Bà Nguyệt xe duyên và hai năm sau họ kết duyên trăm năm. Sau khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mất, thế tử Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng thì bà Đoàn Thị Ngọc trở thành Đoàn Quý Phi, có công khuyến khích nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nên được nhân dân xứ Quảng tôn vinh là Bà Chúa Tàm tang.

Con Rồng cũng gắn liền với sự lập nghiệp của Nhà Lý. Truyền thuyết kể lại rằng khi vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, năm 1010 đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La thì có một Con Rồng vàng xuất hiện trên bầu trời kinh đô mới. Nhà vua cho đó là một điềm lành và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay, mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến XVIII. Và đến năm 2010, nước ta đã tổ chức một cách long trọng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, có Núi Nùng nên được gọi là Long Đỗ, nghĩa là Rốn Rồng, trong năm 2011 đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Ở Cửa Hàn, sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông 1471, đã ra đời Xứ Giếng Bộng với làng Nại Hiên. Làng này đã dựng một chùa thờ Phật mà dân trong vùng thường thấy Đức Phật xuất hiện ở đây dưới dạng đầu Con Rồng. Vì vậy, vua Lê Thần Tông năm 1657 đã sắc phong đặt tên cho chùa là Long Thủ Tự (Chùa Long Thủ) nghĩa là Chùa Đầu Rồng. Trong cuộc nội chiến Nhà Nguyễn – Nhà Tây Sơn, chùa này bị hư hại nặng. Năm 1825, vua Minh Mạng đã cấp một số bạc để sửa lại chùa. Đến năm 1935, vua Bảo Đạo đã đặt tên mới cho chùa là An Long Tự (Chùa An Long) còn tồn tại đến nay.

Con Rồng và nghệ thuật cung đình và dân gian

Con Rồng là một môtýp của nghệ thuật trang trí cung đình và dân gian. Hình Con Rồng có mặt trên nóc nhà, các thân cột, xà dọc, cánh cửa, bậc tam cấp, bình phong của các cung điện, lăng tẩm, đền chùa, miếu mạo, từ đường.v.v... Hình Con Rồng còn thấy trên mũi thuyền, chân sập, tráp gỗ, đốc kiếm, mõ nhà sư, trên các thảm thêu, đồ sành sứ...

Nó được thể hiện ở mọi tư thế: bay lượn, phủ phục, đứng yên, uốn mình dưới nhiều mô týp trang trí đa dạng với những chất liệu khác nhau như gỗ, đá, sành sứ, vôi vữa, kim loại.

Một đề tài nghệ thuật trang trí thường thấy, thể hiện trên rìa các hoành phi, thân sập, lưng ghế, gọi là "Lưỡng long triều nguyệt” chạm khắc hình hai Con Rồng với mình uốn lượn và đầu cùng quay về một mặt nguyệt, có nghĩa hai con rồng đang chầu mặt trăng.

Một đề tài nghệ thuật trang trí khác gần gũi với đề tài nói trên, thường được chạm khắc trên các phù điêu, đồ dùng bằng gỗ như sập, ghế hay thêu trên các tấm lụa với hình hai Con Rồng mình uốn lượn và đầu cùng quay về một khối hình cầu, gọi là "Lưỡng long tranh châu”, có nghĩa hai Con Rồng đang tranh nhau một hòn ngọc quý. Môtýp nghệ thuật trang trí này có khi được gọi là "Lưỡng long hí cầu”, có nghĩa là hai Con Rồng cùng đùa với một quả cầu.

Một đề tài nghệ thuật trang trí khác bắt nguồn từ "Lưỡng long triều nguyệt” nói trên, nhưng ở đây hai Con Rồng chầu một quả cầu lửa. Quả cầu lửa gồm một đĩa hình tròn là mặt nhật được bao quanh bởi một vòng lửa cháy nằm trên một tầng mây. Môtýp này thường làm bằng vôi vữa và đắp trên nóc đền chùa, có ý nghĩa cầu đảo: ở đây hai Con Rồng là hai Thuỷ Long Vương, thần gây mưa và quả cầu lửa tượng trưng cho sấm sét tạo ra mưa chống hạn cho nông nghiệp được mùa.

Một đề tài nghệ thuật trang trí cung đình và dân gian khác là hoạt cảnh kết hợp giữa một Con Rồng đang bay trên các cuộn mây và một Con Cá gáy đang bơi giữa các gợn sóng: Con Rồng thì phun mưa xuống còn Cá Chép thì phun nước lên cho nhau. Đó là môtýp "Ngư long hí thuỷ ”, cảnh Rồng và Cá đùa nhau với nước khá ngoạn mục, thường được chạm khắc trên các phù điêu bằng gỗ trong cung đình hay đắp nổi trong các chùa chiền.

Một môtýp trang trí cung đình và dân gian khác, gọi là "Mặt Rồng” hay "Con Rồng ổ” có khi gọi là "Mặt nả”, là một công trình điêu khắc công phu hình Đầu Rồng nhìn chính diện với hai chân trước uốn cong chạm trổ trên ô trán mặt tiền hay mặt ngoài trên cửa ra vào của một số công trình kiến trúc cung đình và dân gian. Môtýp này cũng thấy trên lườn nóc mái nhà, trên chân tủ, chân quỳ sập gỗ.

Thường trên trán Con Rồng này có chạm chữ "Vương” cách điệu và miệng ngậm một chữ "Thọ” mà người ta thường gọi là "Rồng ăn chữ thọ”, có ý nghĩa cầu chúc trường thọ, mưa thuận gió hoà.

Trong nghệ thuật chơi cây kiểng dân gian, người ta đã uốn thế thân cây mẫu đơn, cây cúc, cây lan... thành hình Con Rồng hoặc uốn thế thân cây xương rồng thành những vòng xoắn lên cao dần như dáng rồng bay, gọi là Long Thăng. Người ta còn uốn thế cho cây sung có hình đầu rồng, đuôi phượng khá đẹp, gọi là Phụng Vĩ Long Đầu.

Con Rồng trong lễ hội dân gian

Hàng năm, ở mọi địa phương thường tổ chức các lễ hội dân gian hay lễ hội kỷ niệm cách mạng bao giờ cũng cómúa rồng, múa lân. múa sư tử. Con Rồng trong múa rồng có đầu khá lớn, mình dài lê thê trên thân vẽ hình vảy cá. Dưới sự điều khiển linh hoạt của đội múa, Con Rồng nhào lộn, uốn lượn không ngơi theo tiếng trống chiêng, tiếng  hoan hô của đám đông, góp phần làm cho lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Ở một số tỉnh miền nam, hàng năm thường tiến hành lễ hội Long Chu. Chẳng hạn như ở Thành phố Di sản Thế giới Hội An, lễ hội dân gian này được tiến hành vào ngày rằm tháng bảy âm lịch (Lễ Trung Thu) và cũng có thể tổ chức thêm vào ngày rằm tháng giêng sau Tết Nguyên Đán (Lễ Nguyên Tiêu). Theo quan niệm dân gian, Long Chu, một chiếc thuyền có hình dáng đầu rồng và đuôi rồng, là biểu tượng của một vật thiêng có sức mạnh của thần linh, quyền lực khống chế trấn áp ma quỷ, thần ác gây ra ôn dịch, bệnh tật, chết chóc cho con người.

Lễ hội Long Chu được tiến hành vào ban đêm, sau khi thầy pháp bắt quyết làm phép bắt hết ma quái đem nhốt trênLong Chu làm bằng tre và phết giấy bổi, xung quanh được trang trí các tua ngũ sắc, bên trên có đặt bát hương và bánh trái, người ta khiêng Long Chu qua các đường phố chính của Hội An, dừng lại ở một nơi vắng vẻ rồi châm lửa đốt cháy Long Chu để diệt hết ma quỷ. Ở những nơi gần sông, người ta thả Long Chu xuống nước, đẩy nó ra xa bờ cho dòng chảy, sóng nước đánh chìm để dìm chết hết ma quái.

Con Rồng trong thành ngữ, ca dao dân gian

Quan niệm dân gian cho rằng Con Rồng là con vật cao quý, thông minh, khoẻ mạnh còn con tôm là con vật nhỏ bé, thấp hèn, yếu đuối, nên đã có những thành ngữ và ca dao dân gian sau đây:

Rồng đến nhà tôm

Thành ngữ này ý nói người cao sang trong xã hội hạ cố đến thăm người thấp kém hơn mình.

Rồng vàng xuống tắm ao tù

Người khôn ở với người ngu bực mình

Người khoẻ mạnh, tài giỏi được ví như Con Rồng:

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Thành ngữ dân gian này có ý chê bai hạng người to khoẻ, nói thì tài nhưng làm thì chẳng ra gì. Cũng từ đó có những câu ca dao dân gian:

Trong lưng chẳng có một đồng,

Lời nói như rồng chẳng có ai nghe!

Quan niệm dân gian cho rằng, người có tuổi Con Rồng tức tuổi Thìn thường là người có tài, nếu không có địa vụ cao thì cũng có tiếng tăm trong xã hội, nên có thành ngữ "mả táng hàm rồng” chỉ người có may mắn hồng phúc, "long vân khánh hội”, người gặp được may mắn như hội rồng gặp mây.

 

Chủ đề: Văn Hóa Việt Nam | Đăng bởi: Admin_tranducchinh (26/04/2012)
Lượt xem: 606 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số bình luận: 0
dth="100%" cellspacing="1" cellpadding="2" class="commTable">
Tên bạn *: Email:
Mã xác nhận *:
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 
            
 Free web hostinguCoz