Hôm nay là Thứ 6, 29/03/2024, 5:23 AM
hmweb-Chia se la niem vui Chào mừng bạn đã ghé thăm Website Văn hóa học Đà Nẵng Online vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 5:23 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của chuyên ngành chúng tôi. Website chỉ hiển thị tốt trên GoogleChrome và Firefox . Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Vanhoahocdanang.ucoz.net
Đăng nhập hệ thống
Đồng hồ - Lịch hệ thống
Liên kết Website hữu ích
Loading Logos...
Khu vực khách ghé thăm
Đánh giá của bạn
Bạn thấy Website này thế nào
Tổng câu trả lời: 7
Thống kê

Đang online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
TK bởi Ucoz từ 14/3/2012
Phim mới cập nhật
Trang lưu bút
Xem TH SCTV Online
Nghe Đài Online
Chuyển đổi ngôn ngữ
EnglishFrenchGermanSpainItalianDutch

RussianPortugueseJapaneseKoreanArabicChinese Simplified
Tìm kiếm
Sen hồng
Đọc báo điện tử online
Thời tiết - giá vàng
Hát Karaoke trực tuyến
Nghe nhạc Online
Hỗ trợ trực tuyến
Admin
             : Mr Đức Chính
             : 0985639026

Xem Tivi Online

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
 
 
Trang chủ » 2011 » Tháng 10 » 22 » BÀN VỀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ
6:51 PM
BÀN VỀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ QUẢN LÝ
          Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa doanh nghiệp đang trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu, cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Qua tìm hiểu, có khá nhiều ý kiến, bài viết ở nước ta thời gian qua bàn về khái niệm văn hóa doanh nghiệp tiếp cận theo cách gắn kết "văn hóa” với "doanh nghiệp”, hay quan niệm một cách cô đọng là "đạo làm giàu”. Bài viết này là một tiếng nói đóng góp vào việc tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp theo một cách tiếp cận khác, dưới góc nhìn văn hóa doanh nghiệp như là vốn xã hội trong phát triển kinh doanh…

 

Đặt vấn đề

Thế giới đang thay đổi và phát triển. Tính chất toàn cầu hóa trong quá trình thay đổi và phát triển ấy đặt ra nhiều vấn đề đối với mỗi quốc gia, trong đó có vấn đề xây dựng và phát triển, phát huy nhân tố văn hóa trong hoạt động kinh doanh. Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của chủ thể trong hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm còn mới mẻ đối với thế giới và lại càng mới đối với Việt Nam, nhưng lại đang được thừa nhận là một yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển kinh doanh. Sự xuất hiện phổ biến và trở thành tất yếu của khái niệm này gắn liền với quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này có nghĩa là việc tham gia vào "sân chơi chung” là nền kinh tế toàn cầu cần tới một cách thức quan hệ, ứng xử trong quan hệ kinh doanh hay nói rộng hơn là cần tới một văn hoá kinh doanh vừa thể hiện bản sắc riêng vừa phù hợp với sự đa dạng bản sắc trên thế giới.

 

Là một khái niệm mới nên cho đến nay văn hóa doanh nghiệp còn chưa có một định nghĩa chung, thống nhất, được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa doanh nghiệp đang trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu, cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Qua tìm hiểu, có khá nhiều ý kiến, bài viết ở nước ta thời gian qua bàn về khái niệm văn hoá doanh nghiệp tiếp cận theo cách gắn kết "văn hóa” với "doanh nghiệp”, hay quan niệm một cách cô đọng là "đạo làm giàu”. Bài viết này là một tiếng nói đóng góp vào việc tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp theo một cách tiếp cận khác, dưới góc nhìn văn hóa doanh nghiệp như là vốn xã hội trong phát triển kinh doanh và tập trung vào 2 nội dung sau:

1. Văn hóa doanh nghiệp như là nguồn vốn xã hội;

2. Một số gợi ý về xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cụ thể.

 

1. Văn hóa doanh nghiệp như là nguồn vốn xã hội

 

Lý thuyết hiện đại về phát triển đã xác định mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều sẵn có và cần phải sử dụng, phát triển, phát huy một cách thông minh 5 loại vốn (hay nguồn vốn), là: vốn tự nhiên (được ban tặng), vốn con người (thể lực và trí lực), vốn vật chất (do con người tạo ra), vốn tài chính (quy ra giá trị) và vốn xã hội. Vốn xã hội cũng là một khái niệm mới được thừa nhận trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tạo cơ sở mới cho nhiều lý thuyết phát triển hiện đại. Theo quan niệm chung nhất thì vốn xã hội bao gồm lòng tin, mạng lưới và các quy tắc ứng xử, hay các chuẩn mực của cộng đồng. Vốn xã hội thể hiện ra ngoài bằng: (i) niềm tin, sự tin cậy lẫn nhau; (ii) sự tương hỗ, có đi có lại, (iii) các quy tắc, các hành vi mẫu mực, các chế tài; (iv) sự kết hợp với nhau thành mạng lưới. Các yếu tố này cũng thuộc về các yếu tố của văn hóa, nhưng theo cách nhìn của tôi, chúng có sự khác là được xem xét như là một loại tài sản có giá của người chủ sở hữu xác định, có khả năng mang lại trực tiếp hoặc gián tiếp giá trị gia tăng. Ngay trong bản thân khái niệm, thì nội hàm của vốn xã hội cũng mang trong mình khía cạnh văn hóa. Khía cạnh văn hóa của vốn xã hội là những quy tắc chia sẻ, các giá trị lòng tin, thái độ và niềm tin. Vốn xã hội khi được sử dụng có thể đem lại lợi ích kinh tế. Thực tế hơn 2 thập kỷ qua, kể từ khi (năm 1987) nhà khoa học người Pháp là Pierre Bourdieu đưa ra nhận định rằng "Vốn xã hội là một thuộc tính của mỗi cá nhân trong xã hội và bất cứ ai cũng có thể khai thác vốn xã hội nhằm đem lại các lợi ích kinh tế thông thường”, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã và đang tiếp tục khai thác nguồn vốn này và thu lợi ích kinh tế (doanh thu, lợi nhuận), thậm chí có những trường hợp còn được sử dụng như là tài sản thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê (thương hiệu, lôgô, …).

Văn hóa doanh nghiệp, nhìn từ giác độ vốn xã hội, là một nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp cần được tạo dựng và phát triển, là một tài sản của doanh nghiệp cần được sử dụng và phát huy nhằm đóng góp tạo ra hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn này đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính điều này là cơ sở cho mối quan tâm hàng ngày của mỗi doanh nghiệp, không kém phần quan trọng so với các nguồn vốn khác (lao động, tài chính, vật chất, …). Nhìn từ giác độ xã hội, văn hóa doanh nghiệp có thể coi là chất kết dính vô hình các thành viên trong xã hội (nhóm, cộng đồng, ..) với nhau tạo nên mạng lưới xã hội phát huy tác động lan tỏa cả trong và ngoài mạng lưới.

 

Văn hóa doanh nghiệp, một khi được nhận thức, được coi là nguồn vốn, một tài sản của doanh nghiệp, thì tất yếu phải được doanh nghiệp duy trì, bảo tồn và tạo ra giá trị gia tăng. Một thực tế minh chứng nhiều người biết là thương hiệu của doanh nghiệp. Trước đây, trong nhận thức về tài sản của doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có khái niệm (hoặc còn mơ hồ) liên quan tới thương hiệu nên không có sự đầu tư tạo dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trong khi trên thế giới có nhiều thương hiệu doanh nghiệp đóng góp đáng kể vào việc mang lại doanh thu, lợi nhuận cao cho sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện có không ít thương hiệu doanh nghiệp trên thương trường được định giá nhiều triệu, thậm chí nhiều tỷ đô la Mỹ do khả năng đem lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm mang thương hiệu này.

 

Như vậy, nhìn từ giác độ là vốn xã hội, văn hóa doanh nghiệp là sự tổng thể các giá trị văn hóa của doanh nghiệp được thể hiện qua các quy tắc chia sẻ, ứng xử, thái độ và niềm tin,… được các thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận một cách tự giác, trở thành truyền thống ăn sâu vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, chi phối hành vi và quyết định hành động của doanh nghiệp cũng như của các thành viên.

 

Khái niệm giá trị văn hóa ở đây được hiểu theo ý nghĩa xã hội và không giống như khái niệm giá trị kinh tế. Cụ thể, đó là những gì được xã hội hoặc cộng đồng xã hội đánh giá cao và thừa nhận cần được đạt tới, theo đuổi. Các giá trị này định hướng suy nghĩ và hành động cho con người (cá nhân và nhóm), qua đó tạo ra hành động chung và liên kết xã hội.

Cũng giống như các giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa của doanh nghiệp bao gồm các giá trị hữu hình (hay thường gọi là vật thể) và các giá trị vô hình (hay thường gọi là phi vật thể).

Giá trị hữu hình của văn hoá doanh nghiệp thể hiện thông qua các đặc trưng của sản phẩm của doanh nghiệp (chất lượng, thiết kế tiện ích, thân thiện với người sử dụng, với môi trường,…), của cảnh quan trụ sở, nơi làm việc, của trang phục nhân viên (sạch sẽ, gọn gàng, trang trọng,…) hay của biểu trưng, biểu tượng doanh nghiệp bằng hình vẽ (logo) hay bằng khẩu hiệu (slogan), …

 

Giá trị vô hình của văn hóa doanh nghiệp thể hiện thông qua các đặc trưng của hành vi giao tiếp, ứng xử trong giao dịch (sự lịch sự, ân cần, tận tình, chu đáo, …), của lòng tin (sự tin cậy, tính nhất quán trong hành động,…), của sự cố kết, gắn bó cộng đồng (tính tập thể, tính cộng đồng, tình thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau,…), của uy tín của doanh nghiệp (sự tín nhiệm, sự trung thực, sự minh bạch…), …

 

Là tổng thể các giá trị văn hóa, văn hóa doanh nghiệp luôn là sự thống nhất và tương hỗ hữu cơ, hài hoà của các giá trị hữu hình và vô hình, trong đó các giá trị hữu hình là hình thức thể hiện bản chất, "cốt lõi” bên trong là các giá trị vô hình.

 

Là giá trị thuộc về văn hóa, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cần bám rễ vào nền tảng văn hoá Việt Nam và (đồng thời) khẳng định bản sắc văn hóa riêng của mình. Bản sắc văn hóa của doanh nghiệp thể hiện cả ở các giá trị hữu hình và cả ở các giá trị vô hình và bên cạnh những nét văn hóa chung, tạo nên những nét riêng, dấu ấn riêng dễ nhận biết đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nói riêng còn cần hội nhập với sự đa dạng về văn hóa của thế giới thể hiện trong các quan hệ kinh doanh quốc tế. Sự hội nhập này bao gồm cả sự tiếp thu các tinh hoa văn hóa từ đa dạng về văn hóa của thế giới và cả sự hài hoà bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp với sự đa dạng văn hóa doanh nghiệp của thế giới.

 

Là vốn (hay tài sản) của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, dưới góc nhìn kinh tế, cần được tạo dựng, phát triển và khác với quan niệm văn hóa thông thường, còn cần được đưa vào kinh doanh theo đúng nghĩa kinh tế của hành động này.

 

Việc tạo dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, cũng giống như đối với các loại vốn khác của doanh nghiệp, là cả một quá trình, bao gồm từ hình thành ý tưởng, hoạch định chiến lược dài hạn, thiết kế kế hoạch hành động, lộ trình triển khai và tổ chức thực hiện. Quá trình này cũng cần được gắn với kế hoạch đầu tư nghiêm túc, dài hạn và mang đậm tính chất của đầu tư phát triển. Tính chất của đầu tư phát triển có nghĩa là cần chú ý tới không chỉ dài hạn mà quan trọng hơn là cho tương lai với tầm nhìn vượt trội về tư duy chiến lược. Cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh của Việt Nam điều này (đầu tư phát triển đối với văn hóa doanh nghiệp) cần tới những thay đổi, đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy (nhận thức) và cả về hành động (phối hợp hành động) trong xã hội và ở tất cả các cấp độ (quốc gia, địa phương, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân) và sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau.

Việc kinh doanh đối với văn hóa doanh nghiệp như là vốn (hay tài sản) của doanh nghiệp (điều này còn chưa quen thuộc trong tư duy kinh doanh hiện nay ở nước ta) có nghĩa trước hết là vốn đó cần được sử dụng sao cho đem lại lợi nhuận, doanh thu cho doanh nghiệp và cho người lao động. Một đặc điểm nổi bật của vốn này là độ trễ mang lại lợi nhuận, doanh thu lớn hơn và khó nhận biết hơn so với các loại vốn kinh doanh thông thường khác (vật tư, thiết bị, lao động,…) của doanh nghiệp. Việc sử dụng vốn này bao hàm cả bảo tồn và phát triển nguồn vốn. Trong sử dụng vốn này, giống như các vốn (hay tài sản) kinh doanh thông thường khác, cũng có sự hao mòn (thường gọi là khấu hao), đòi hỏi phải chú ý bù đắp, đổi mới kịp thời. Sự hao mòn này bao gồm cả hữu hình và cả vô hình. Đó có thể là sự nhàm chán hay lạc hậu của khẩu hiệu doanh nghiệp (slogan), sự suy giảm tính cố kết, gắn bó cộng đồng do các tác động kinh tế - xã hội, do thay đổi người đứng đầu tổ chức…, thậm chí do cả tác động tiêu cực của môi trường văn hóa hội nhập quốc tế.

 

Với ý nghĩa và vai trò của văn hóa doanh nghiệp như là vốn (tài sản) của doanh nghiệp, điều khó khăn chủ yếu và cần chú ý trước tiên trong việc tạo dựng, phát triển và kinh doanh vốn này nằm ở chính trạng thái tồn tại của vốn và ở tư duy, nếp nghĩ của các nhà doanh nghiệp Việt Nam. Vốn này tồn tại chủ yếu ở trạng thái phi vật thể nên cần có nhãn quan, giác quan "phi vật thể” để nhận biết và sử dụng. Tư duy, nếp nghĩ của các nhà doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ quen với loại vật thể nên cần tới sự thay đổi, đổi mới cách nghĩ, cách nhìn, trong đó có cách nghĩ, cách nhìn phi truyền thống, "phi vật thể”.

Khó khăn tiếp theo là định lượng (lượng giá) vốn và hiệu quả sử dụng vốn. Vì văn hóa doanh nghiệp nhìn dưới giác độ như là vốn (tài sản) của doanh nghiệp là loại vốn không thông thường và được sử dụng cho mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, nên định giá vốn là cần thiết tất yếu. Cho đến nay vẫn còn chưa có một lý thuyết định lượng riêng, chuyên biệt cho loại hình vốn này và đây là một hướng nghiên cứu đang được quan tâm. Tuy vậy trên thực tế, như đã đề cập ở trên, một số khía cạnh (thành tố) cấu thành vốn này đã được lượng giá cụ thể, như giá của thương hiệu doanh nghiệp, mức tăng doanh thu, lợi nhuận từ uy tín, thương hiệu của sản phẩm, … Phương pháp lượng giá thông dụng trong những trường hợp như vậy thường là phương pháp sẵn sàng chi trả (tiếng Anh viết tắt là WTP) trên cơ sở quan hệ thị trường.

 

2. Một số gợi ý về xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam

 

Như đã nêu, văn hóa doanh nghiệp còn là khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dành sự chú ý ngày càng nhiều tạo dựng và phát huy loại vốn này phục vụ cho mục tiêu kinh doanh của mình trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam, chúng ta có cả những thuận lợi và cả những khó khăn. Các khó khăn chủ yếu đã nêu ở trên, còn về thuận lợi thì thuận lợi cơ bản là sự khởi đầu quan tâm ngày càng nhiều về xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp không chỉ từ phía các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội (mà Hội thảo và chủ đề Hội thảo này là một minh chứng) cũng như yêu cầu, sức ép từ hội nhập kinh tế quốc tế trong quan hệ ngày càng sâu rộng với các doanh nghiệp của các nước trên thế giới làm tăng sự quan tâm, chú ý của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội thảo này, xin được nêu lên một vài suy nghĩ mang tính chất gợi ý về xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp ở nước ta. Có khá nhiều vấn đề phải quan tâm trong công việc này, từ giác độ nghiên cứu, xin nêu 3 vấn đề sau:

 

a) Xây dựng và nâng cao nhận thức về văn hóa  doanh nghiệp

 

Vấn đề này không cần phải bàn luận nhiều bởi bất kỳ một vấn đề mới nào (như văn hóa doanh nghiệp chẳng hạn) đều phải bắt đầu từ nhận thức đúng. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhận thức về văn hoá doanh nghiệp lại càng quan trọng và cần thiết, bởi trong tư duy của các nhà doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn bị chi phối nhiều bởi sự cụ thể, tính vật thể và chưa phải là dài hạn. Thêm vào đó, những khó khăn thường nhật về kinh tế tạo sức ép và chi phối nhiều suy nghĩ trong hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy công việc này (xây dựng và nâng cao nhận thức) đòi hỏi thời gian và sự kiên trì với sự cần thiết tác động mạnh mẽ từ ngoài vào (Nhà nước, xã hội) để tạo đà và định hướng suy nghĩ. Công việc này cũng cần có một kế hoạch (hoặc chiến lược) với tầm nhìn dài hạn (5 – 10 năm), bao gồm 2 nội dung cơ bản là truyền thông và đào tạo nâng cao nhận thức. Kế hoạch này sẽ là khung khổ cho sự phối hợp hành động giữa các đối tác có liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp và các cộng đồng khác trong xã hội). Xét về tính chất của hoạt động và chức năng hoạt động thì cơ quan đầu mối phối hợp soạn thảo và sau này cũng sẽ là đầu mối phối hợp tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này, theo tôi, thích hợp hơn cả là Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Mạng lưới các câu lạc bộ UNESCO và các câu lạc bộ doanh nghiệp hiện đang hoạt động tích cực và phát triển ở nước ta là điều kiện về tổ chức thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hoạt động liên quan tới nâng cao nhận thức cũng như trao đổi tri thức, thông tin về về văn hoá doanh nghiệp.

 

b) Nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các nội dung cụ thể cho việc triển khai về bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

 

Đối với chúng ta, văn hóa doanh nghiệp là vấn đề mới và bản sắc văn hóa doanh nghiệp lại càng mới hơn. Do vậy việc nghiên cứu là rất cần thiết cả cho việc tiếp cận về khoa học và cả cho việc ứng dụng, vận dụng trong thực tiễn của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu cũng sẽ giúp cho việc tuyên truyền phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nghiên cứu tìm hiểu về nội hàm, nội dung của văn hóa doanh nghiệp (hiện còn chưa thật thống nhất và rõ ràng), cái đích nghiên cứu cần nhằm tới là làm rõ các đặc thù, đặc trưng bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề nghiên cứu này thật không dễ dàng, bởi lẽ một nội dung quan trọng của văn hoá doanh nghiệp là truyền thống kinh doanh ở Việt Nam còn mỏng và các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ vừa mới bắt đầu tiếp cận và hội nhập với nền kinh tế thế giới đa văn hóa.

 

Bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là một chủ đề nghiên cứu lớn, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian cho việc xác định. Tuy vậy, theo suy nghĩ của tôi, cái cốt lõi của bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nằm ở hệ giá trị văn hóa cần được đạt tới, theo đuổi trong hoạt động kinh doanh. Hệ giá trị này không tách rời mà dựa vào, bám rễ chắc vào các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam cùng với việc tiếp thu các tinh hoa giá trị văn hóa kinh doanh quốc tế. Như trên đã nói, giá trị văn hóa là những gì được xã hội hoặc cộng đồng xã hội đánh giá cao và thừa nhận cần được đạt tới, theo đuổi. Chúng (các giá trị này) định hướng suy nghĩ và hành động cho con người (cá nhân và nhóm), qua đó tạo ra hành động chung và liên kết xã hội. Theo cách đặt vấn đề như vậy, trước tiên cần xác định hệ giá trị chung, được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao và thừa nhận cần được đạt tới, theo đuổi. Hệ giá trị văn hóa này thường bao gồm những giá trị chung, cơ bản đối với mọi doanh nghiệp (sự minh bạch, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, …) và những giá trị mang tính chất đặc thù, bản sắc của doanh nghiệp Việt Nam (theo suy nghĩ ban đầu của tôi, có thể là tinh thần dân tộc mạnh mẽ, ý chí vươn lên rõ rệt, đức tính chịu khó, chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng cho mục tiêu chung (tập thể, cộng đồng), sự trung thành, cần cù, tận tuỵ, phụ thuộc ít hơn vào mức thù lao trong công việc, tinh thần năng động, sáng tạo, …). Trên thế giới đã hình thành ở nhiều nước phong cách quản lý kinh doanh mang tên gọi của chính quốc gia đó, như phong cách quản lý Mỹ, phong cách quản lý Nhật Bản hay phong cách quản lý Trung Quốc, … là sự thể hiện văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp với nét đặc thù, bản sắc riêng. Chúng ta hy vọng, với bề dày văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, trong tương lai không xa cũng sẽ tạo dựng được phong cách quản lý Việt Nam.

 

Lẽ đương nhiên, việc nghiên cứu định tính về văn hóa doanh nghiệp còn cần được kèm theo nghiên cứu định lượng. Đây cũng là một đặc điểm của nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp khác với các nghiên cứu về văn hóa nói chung, nhất là khi đặt vấn đề văn hoá doanh nghiệp như là một tài sản (vốn) kinh doanh của doanh nghiệp. Các giá trị văn hóa doanh nghiệp cần được lượng giá theo những cách thức, phương pháp khoa học và việc này (lượng giá) có thể giải quyết được với trình độ phát triển khoa học hiện nay của thế giới.

 

Các kết quả nghiên cứu này cũng sẽ là cơ sở kiến thức không chỉ cho việc tuyên truyền, phổ biến mà điều căn bản hơn là cho hoạt động đào tạo về kinh doanh. Cũng cần tính đến ngay từ bây giờ việc thiết kế môn học văn hóa doanh nghiệp trong các chương trình đào đạo về quản trị kinh doanh hiện nay ở các cơ sở đào tạo ở nước ta. Hiện tại, Bộ Lao động và TBXH đang có dự tính xây dựng môn học về văn hoá nghề phục vụ đào tạo ở các cấp học, từ chương trình phổ cập nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề, phục vụ cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở nước ta.

 

c) Lồng ghép các nội dung văn hóa doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh, từ thiết kế, hoạch định cho đến tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển ở các cấp độ khác nhau (nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp)

 

Công việc này (lồng ghép) cần được dựa trên cơ sở nhận thức đúng về văn hóa doanh nghiệp và vai trò của văn hóa doanh nghiệp như một tài sản (vốn) kinh doanh. Tài sản này cần được coi không chỉ là của bản thân doanh nghiệp, mà còn là tài sản quốc gia. Do vậy, trong hoạt động quản lý các cấp độ (quốc gia, ngành, địa phương, doanh nghiệp) văn hoá doanh nghiệp cần được tính đến và thể hiện trong các cân nhắc quyết định. Điều này có nghĩa trước hết là, ở cấp độ doanh nghiệp, ngay từ bước lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển (dài hạn, trung hạn, ngắn hạn) các giá trị văn hóa doanh nghiệp cần được tính đến một cách thích hợp như là các yếu tố "đầu vào” (các nguồn lực) và "đầu ra” (các kết quả gia tăng) cũng như các giải pháp thực hiện. Ở cấp độ trung mô (ngành, địa phương) và vĩ mô (quốc gia) các giá trị văn hóa doanh nghiệp cần được coi trọng không chỉ bởi giá trị của tài sản vô hình của quốc gia (niềm tự hào, sự tin cậy, …) mà còn là nguồn lực phát triển của các tế bào kinh tế (các doanh nghiệp) của đất nước. Do vậy, cần có chính sách rõ ràng và nhất quán từ phía quản lý nhà nước các cấp (quốc gia, ngành, địa phương) hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá doanh nghiệp. Các điều kiện này có thể là những hỗ trợ về chính sách (thí dụ như ưu tiên, ưu đãi trong thủ tục quản lý hành chính đối với các doanh nghiệp có thương hiệu đã khẳng định hay được vinh danh với danh hiệu doanh nghiệp văn hóa chẳng hạn), có thể là những hỗ trợ tài chính cho hoạt động đào tạo về văn hóa doanh nghiệp, cho tạo dựng một số giá trị hữu hình của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (như thương hiệu quốc gia, hình ảnh doanh nghiệp tiêu biểu, …). Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ có thể nghĩ tới việc nghiên cứu xây dựng và lồng ghép đưa chỉ tiêu về văn hóa như là một tiêu chí (hoặc chỉ báo) đánh giá hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, ngành và địa phương. Xin gợi ý ban đầu tên gọi chỉ tiêu này có thể là tỷ lệ doanh nghiệp văn hóa trong tổng số doanh nghiệp (cả nước, ngành, địa phương) tương tự như các chỉ tiêu hiện đang được áp dụng ở nước ta như: tỷ lệ doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO 14000 (về môi trường), ISO 9000 (về hệ thống quản lý), tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tỷ lệ doanh nghiệp có nhãn sinh thái,… Cũng lưu ý rằng, chỉ tiêu về văn hóa doanh nghiệp cũng giống như các chỉ tiêu kể trên không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà chỉ mang tính chất khuyến khích phấn đấu thực hiện như là những chứng chỉ thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phi kinh tế (văn hóa, môi trường,…) và thông qua đó thu lợi ích kinh tế từ sự tin cậy, yêu thích, lòng tin,… của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, của quốc gia.

 

Văn hóa doanh nghiệp, lẽ đương nhiên, còn cần quán triệt và thể hiện ở cấp độ từng người lao động trong doanh nghiệp và người tiêu dùng trong xã hội. Từ phía người lao động trong doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp được thể hiện trong nội quy lao động của doanh nghiệp; từ người tiêu dùng trong xã hội, văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở các định hướng xã hội vào xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với tiêu chí văn hóa.

 

Lời kết

Văn hóa doanh nghiệp là vấn đề mới mẻ và rất cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi đó không chỉ là yêu cầu văn hóa trong kinh doanh, mà cùng với yêu cầu này, văn hóa doanh nghiệp cũng là một nguồn lực, một nguồn vốn xã hội của quốc gia, của doanh nghiệp đem lại lợi ích kinh tế. Nguồn lực, nguồn vốn xã hội này cần được nhận thức, nghiên cứu và vận dụng một cách tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp – các tế bào kinh tế của một quốc gia.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Thế Cường, Văn hóa và hiện đại hóa - Nhìn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, số 07/2008.
  2. Đàm Hữu Đắc, Lao động và văn hóa nghề trong lao động nước ta, Tạp chí Cộng sản, chuyên đề cơ sở, số 28, tháng 4/2009.
  3. Nguyễn Quang Tuấn, Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường, trong Tạp chí Công sản, số 11, năm 2008.
  4. Ngô Đức ThịnhTiếp cận nông thôn, nông dân Việt Nam từ mạng lưới xã hội và vốn xã hội cho phát triển, Tạp chí cộng sản, 2008.
  5. Pierre Bourdieu (1983), dẫn lại từ nguồn: Tạp chí Tia Sáng, báo điện tử, tháng 4 năm 2006.
  6. Putnam Robert. D.: Making Democracy Work: Civic Traditions in Modern Italy, Princeton University Press, Princeton, 1993.

_____________________

Chú thích: Tác giả bài viết hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng Bắc Bộ - Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là bài tham luận của Ông tại Hội thảo về Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong toàn cầu hóa tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2009 vừa qua. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu trên trang web.vanhoahoc.edu.vn.

PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn

Nguồn: vanhoahoc.edu.vn

Chủ đề: Tin Tổng Hợp | Lượt xem: 465 | Đăng bởi: Admin_tranducchinh | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số ý kiến: 0
dth="100%" cellspacing="1" cellpadding="2" class="commTable">
Tên bạn *: Email:
Mã xác nhận *:
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 
            
 Free web hostinguCoz