Hôm nay là Thứ 6, 29/03/2024, 0:40 AM
hmweb-Chia se la niem vui Chào mừng bạn đã ghé thăm Website Văn hóa học Đà Nẵng Online vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 0:40 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của chuyên ngành chúng tôi. Website chỉ hiển thị tốt trên GoogleChrome và Firefox . Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Vanhoahocdanang.ucoz.net
Đăng nhập hệ thống
Đồng hồ - Lịch hệ thống
Liên kết Website hữu ích
Loading Logos...
Khu vực khách ghé thăm
Đánh giá của bạn
Bạn thấy Website này thế nào
Tổng câu trả lời: 7
Thống kê

Đang online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
TK bởi Ucoz từ 14/3/2012
Phim mới cập nhật
Trang lưu bút
Xem TH SCTV Online
Nghe Đài Online
Chuyển đổi ngôn ngữ
EnglishFrenchGermanSpainItalianDutch

RussianPortugueseJapaneseKoreanArabicChinese Simplified
Tìm kiếm
Đọc báo điện tử online
Thời tiết - giá vàng
Hát Karaoke trực tuyến
Nghe nhạc Online
Hỗ trợ trực tuyến
Admin
             : Mr Đức Chính
             : 0985639026

Xem Tivi Online

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
 
 
Trang chủ » Điều » Văn Hóa Việt Nam

Trương Sỹ Hùng. Phật Mẫu Tây Thiên và tính thế tục hoá của tôn giáo, tín ngưỡng

Án ngữ liền kế mạn Bắc thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc tự hào biết bao là có một di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh nổi tiếng vào bậc nhất nhì trong tâm linh cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ khẩu ngữ dân gian, dĩ nhiên là giới khoa học phải tìm hiểu cụm từ Phật Mẫu Tây Thiên. Khảo sát từ ghép "Phật Mẫu” mà nhân dân các tầng lớp nhiều đời đã gắn liền địa danh Tây Thiên; trên thực tế là chỉ một quần thể vật chất văn hóa và một hợp thể tín ngưỡng bản địa với sự gia nhập khá sâu của loại hình tôn giáo tầm cỡ lớn của nhân loại là đạo Phật. Mặc dù trên bản đồ hành chính quốc gia, trên khảo sát thực địa, đất ấy nay nằm trọn trong vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận hai xã Đại Đình và Tam Quan, trong đó chùa Tây Thiên nằm trên núi Thạch Bàn, nay thuộc xã Đại Đình. Với độ cao thấp trải dài gần 15km2trập trùng theo thế sườn núi cao dần từ 50 đến hơn 1.000m so với mặt biển, mà không khí quanh năm trong lành dịu mát tương đối, lúc nào cũng muốn cuốn hút mọi người.

Tư liệu thống kê xã hội học về nhu cầu tín ngưỡng và số lượng người tham gia thực hành tín ngưỡng Phật Mẫu Tây Thiên tăng nhanh trong bầu không khí trong lành, hứng khởi và thắng lợi của thời kỳ đổi mới tư duy kinh tế. Từ năm 2006 đến nay cứ mỗi dịp tết Nguyên đán cũng như dịp kỷ niệm ngày hóa của thần chủ Quốc Mẫu Tây Thiên Lang Thị Tiêu là lại có khoảng trên dưới 25.000 người từ khắp các nẻo đường đất nước hành hương về lễ bái Phật Mẫu. Bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào trong văn hóa truyền thống, bất cứ một đảng phái nào trong xã hội xưa và nay chỉ đủ mạnh, dồi dào sức sống khi đông đảo lực lượng quần chúng lao động tin theo, nhất tâm ủng hộ bằng tình cảm, vật chất và trí tuệ sáng tạo của mình một cách tự giác. Tây Thiên là một nguyên cớ, cùng với chùa Hương, chùa Dâu, Bái Đính, Đồ Sơn, Yên Tử, chùa Keo… những địa chỉ văn hóa Phật giáo cổ xưa luôn luôn được người đời lưu ý bảo vệ, tôn tạo và vinh danh, đề cao vị thế. Đương nhiên là "những miền đất thiêng” ấy luôn đồng hành cùng dân tộc và bất tử với mọi thời đại. Kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn từ nửa cuối thế kỷ XX đến 10 năm đầu thế kỷ XXI đã làm sáng tỏ khá nhiều vấn đề của tôn giáo và tín ngưỡng. Điều đó ích lợi thiết thực cho mục tiêu xây dựng một nền kinh tế giàu mạnh, một nền văn hóa "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; bởi vì hơn hết trên mọi bình diện thu hút thì việc thu hút nhân tài vật lực bao giờ cũng là căn bản, là yếu tố tiên quyết cho sự thành bại của tất cả các cuộc cách mạng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để có được những ghi nhận khoa học xác thực, nhằm hướng dẫn tích cực dư luận xã hội lúc nào cũng mang tính thời sự cấp thiết.

 

Hán Việt từ điển (1931) của Đào Duy Anh giải nghĩa: Phật là "ông tổ của thích giáo, tức là Thích Ca Mâu Ni – người tu thành đạo – đọc là bật thì nghĩa là giúp giùm” Từ Mẫu nghĩ là "mẹ - vật gốc – tiền vốn”. Trong Từ nguyên có đơn vị từ Phật Bà giải nghĩa cấu tạo chữ Phật gồm có chữ nhân và chữ phất là chẳng (hoặc không) ý chỉ một người chẳng biết gì về thế tục và diệt khổ để được giải thoát. Bà chỉ những người con gái đã có chồng hoặc tôn xưng những người đàn bà có địa vị kính trọng. Trước thời Hậu Hán cụm từ Phật Bà được gọi là Phật Đà từ Hậu Hán trở đi người ta chỉ gọi là Phật. Có tích truyện: vua Hán Hiếu Minh, đêm nằm mộng thấy một vị thần, trên người lúc nào cũng tỏa ánh hào quang chói lọi. Buổi sáng hôm sau, khi thiết triều, vua kể lại giấc mơ cho các quần thần nghe. Quan Phó Nghị nói: "Ở xứ Tây Thiên có Đạo Phật, đức Phật là người thành đạo có thể bay được, người tỏa ánh hào quang”. Như vậy là Tây Thiên trong Hán tự là cụm từ chỉ đất nước Ấn độ, cụ thể hơn là chỉ quê hương của đức Phật. Ở đây cần tìm hiểu cụm từ Phật Mẫu Tây Thiên, nghĩa là một hiện tượn bản địa hóa của một loại hình tôn giáo mà địa chỉ Tây Thiên là một tụ điểm điển hình sự hòa trộn đến tinh xảo, nhuần nhị giữa Đạo Phật và Đạo Mẫu ở Việt Nam; đã và đang hiện diện tại Việt Nam, chưa sách nào lý giải kỹ. Vấn đề thế tục hóa Phật giáo ở Vĩnh Phúc nói riêng cũng như ở hầu hết mọi nơi nói chung; trước hết đều phải theo thời, lựa hoàn cảnh để cảm hóa cư dân bản địa. Sau một khoảng thời gian nhất định, khi số người tin đã khá đông thì tri thức độc lập dân tộc, đề cao sức mạnh của mình mới được giác ngộ. Có thể khẳng định rằng, trong quá trình thế tục hóa, Đạo Phật du nhập vào Việt Nam là hết sức thuận lợi, liên tục và đạt nhiều thành tựu tốt đẹp. Tìm hiểu hiện tượng Phật Mẫu Tây Thiên dù chỉ giới hạn một bài tham luận cũng phải dừng lại ở hai điểm chính; lịch sử du nhập Phật giáo vào Việt Nam và nguồn gốc danh xưng đức Phật Việt Nam tại Tây Thiên.

 

 

  1. Sơ lược quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam

Phật giáo du nhập vào đời sống văn hóa Việt Nam từ rất sớm. Sách Thiền uyển tập anh có chép truyện quốc sư Thông Biện (? – 1134) trả lời hoàng hậu nguyên phi Ỷ Lan khi bà hỏi về đạo Phật.

 

"Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc, khi Phật pháp mới đến Giang Đông, thì ở Luy Lâu đã có đến hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. Nếu vậy, Phật giáo đã truyền vào Giao Châu nước ta trước, hồi ấy đã có các vị tăng như  Mahakỳvực (Vinitaruci), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó”. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp với Tỳ Ni Đà Lưu Chi, truyền bá tông phái tổ thứ ba của Tăng Xán. Pháp Hiền là vị bồ tát sống, hiện trụ trì ở chùa Chúng Thiện, giáo hóa không dưới ba trăm môn đồ, không thua kém gì ở Trung Quốc(1). Thế là thông qua cách trả lời mang tính luận triết, quốc sư Thông Biện đã khẳng định đạo Phật đã phát triển rộng khắp ở Việt Nam trước khi du nhập vào Trung Quốc.

 

Suy nguyên từ Phạn ngữ naraca và lý giải cách hiểu sai từ Nê Lê chỉ ngôi chùa và tháp Tường Long ở Đồ Sơn như các tác giả trước, căn cứ vào tài liệu địa chí, Lê Mạnh Thát cho rằng: "Chùa Địa Ngục, sau đổi là Tây Thiên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) chính là thành Nê Lê của huyện An Định xưa. Bảo tháp Asoka đã từng được xây dựng ở đây. Chuyện có liên quan đến cuộc kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba của vua Asoka từ Ấn Độ, cùng một trưởng lão là Tissa Moggaliputa đã cho hai vị cao tăng là Uttara và Sona đã đến các nước Đông Nam Á lục địa truyền giáo Phật. Thành Lê Nê ở Tam Đảo là một sự kiện lịch sử Phật giáo in dấu ấn đậm Việt Nam vào những năm đầu dương lịch”(2).

 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988) của tập thể tác giả Viện Triết học có viết: "Các thương nhân xuất phát từ Trung Ấn, có thể dùng tuyến đường bộ ngang qua đèo Ba Chùa và theo sông Kanburi mà xuống châu thổ Mênam, bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Raheng, nằm trên một nhánh con sông Meenam (…) chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassak ở trung lưu sông Mêkông, địa bàn của vương quốc Kambijan. Vương quốc này có thể là do những di dân Ấn Độ thành lập trước C.N. Rất có thể các tăng sĩ Ấn Độ vào đầu C.N. đã theo con đường này mà đến đất Lào, rồi từ đây vượt Trường Sơn sang Thanh Hóa hay Nghệ An”(3).

Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo đã thế tục hóa ở Việt Nam từ cách thể hiện nghi thức tôn kính đến danh xưng giáo chủ. Buddha trong tiếng Phạn chỉ đức Phật giác ngộ, người Việt đã tiếp nhận trực tiếp đổi thành Bụt, khác với cách phiên âm của Trung Quốc gọi là Phật. Tuy nhiên, vốn từ Hán Việt sau này cũng dùng danh xưng Phật trong văn hóa Việt Nam trở thành phổ biến. Sách của An Thiền cũng viết là sư Khâu Đà La đến thành Luy Lâu vào cuối đời Hán (168-198) để truyền bá đạo Phật. Các thần tích viết về tướng lĩnh Hai Bà Trưng (40-43) có nhiều chi tiết, "sau chiến tranh” thì nhiều bà cũng quy y theo Phật. Đến năm 529, sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên có dẫn sách Dương thị Nam Duệ dị vật chí, nhắc đến địa danh Giao Châu "người ta trồng uất kim cương để cúng Phật. Đó là một loài hoa quý của người Việt”(4).

 

Năm 251 Khương Tăng Hội dịch sách Lục độ tập kinh của người Việt sang Hán ngữ, trong nội dung có đoạn viết về thái độ của Phật giáo trước nạn ngoại xâm. Sách cho rằng: "Bồ Tát thấy dân kêu ca, bèn gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Và "Hễ làm vua, bỏ sự giáo hóa chân chính của Phật mà đi tôn sùng yêu quỷ, thì đó là nền tảng của sự mất nước”(5).

Phật giáo Giao Châu đã trưởng thành vượt bậc với các danh sư Khâu Đà Na người Ấn, Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp và Ma Ha Kỳ Vực. Hình tượng Thạch Quang Âm (Phật đá phát sáng) và Man Nương Phật Mẫu đã biến hình hòa nhập giữa tục thờ Mẫu, thờ đá của người Việt với đức Phật Ấn Độ ngoại nhập. Thực tiễn đó đã diễn ra ngay từ khi đạo Phật bắt đầu nảy mầm bén rễ ở Việt Nam, từ giữa thế kỷ II đến đầu thế kỷ III. Một trong "tám vạn bốn ngàn” pháp môn của Phật giáo còn mang dấu ấn của Kỳ Na giáo là quyết pháp tu hành đứng một chân, được hiện diện ở Khâu Đà Na.

Phạt giáo Việt Nam đã tạo ra bốn vị Phật bản địa là Phạt Mẫu Man Nương, Phật Mẫu Tây Thiên, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, tương truyền rất linh thiêng được vua chúa, dân chúng kế đời cầu đảo. Cho đến nay, những điểm thờ cúng ấy vẫn được người Việt Nam sùng bái.

Thế kỷ V, lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi danh hai nhà sư giáo độ hoàng pháp: Đạt Ma Đề Bà (Oharmadeva) người Ấn Độ và sư Huệ Thắng người Việt. Sách Tục cao tăng truyện có chép: "Thích Huệ Thắng người Giao Chỉ, ở chùa Tiên Châu, lánh ngụ rừng đầm, thong dong ngoại vật, tụng kinh Pháp hoa, ngày kể một biến, mỗi năm càng sâu”… "Năm Vĩnh Ninh thứ năm (487) dời đến tịnh xá Diên Hiền ở núi Chung. Từ nhỏ đến già, lòng Thắng trinh bạch thẳng ngay. Trong khoảng thiên giám (502-519) Thắng mất, xuân thu 70”(6) Theo học đạo Phật Đạt Ma Đề Bà, một thiền phái Phật giáo Việt Nam do sư Huệ Thắng khởi xướng. Trong tiểu sử thiền sư Thích Huệ Thắng ở sách Tục cao tăng truyện cũng ghi: "Thắng mỗi lần vào định, hết ngày mới đứng dậy”. Tu hành đến mức nổi danh sang cả Trung Quốc, bấy giờ, thiền sư Huệ Thắng đã bị Lưu Hội của nhà Hán Vũ bắt sang phương bắc để tiếp tục giảng đạo và thiền định chắc không phải bình thường.

Kế nhiệm thiền sư Thích Huệ Thắng ở chùa Tiên Châu là thiền sư "Thích Đạo Thiền người Giao Chỉ, "khắc hỷ mà trọng thiền đốc hành. Chùa núi Tiên Châu xưa bị nhiều cọp hại. Thiền đến ở đó, nạn ấy liền xa. Khi Cánh Lăng Vương nhà Tề (479-501) mở rộng thiền luật, dựng nhiều chỗ giảng, người ta ngàn dặm ruổi xe, cùng đến Kim Lăng. Họ đều là tiên lĩnh của 4 bể, người tài của đời và tay giỏi trong đạo. Thiền truyền dạy sách hay rất thông. Ban đêm không ngủ, tham khảo kinh mầu, vâng lời tìm thật. Đến năm Vĩnh Ninh thứ nhất (483) du lịch qua nhà cửa của kinh đô, để đến chùa Vân Chạ tại Chung Sơn. Thiền vâng điều khiển tăng chúng, nổi tiếng vì rộng dùng thập tụng. Dậy đạo trải qua, tăng ni vâng theo, nên uy tín chấn phát, tiếng tăm biết khắp. Thiền điềm đạm dạy người, bàn cãi, có phong thái nên kẻ chịu thọ giới với thiền tại kinh đô, số vượt quá ngàn. Học trò thường đến nghe Thiền giảng không thiếu dưới một trăm”, "Vào năm Đại Thông thứ nhất (527) Thiền mất ở chùa núi, xuân thu 70”.

Cả hai thầy trò thiền sư Việt Nam ở cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI đã nổi danh tài cao học rộng; người khắp xứ biết đến. Nhà Tề ở Trung Quốc vì mến mộ mà bắt hoặc mời đi giảng đạo. Như vậy phái thiền học Việt Nam chính thức có căn cứ từ hai thiền sư Thích Huệ Thắng và Thích Đạo Thiền. Có lẽ từ đầu thế kỷ VI, Đạo Phật Việt Nam mới có sự giao lưu sâu rộng với Phật giáo Trung Quốc, khi đã trải qua khoảng bảy, tám trăm năm tiếp nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ đưa tới. Nhiều cao tăng danh tiếng người Việt thời thuộc Đường còn được sử sách ghi chép về thân thế và sự nghiệp. Không những thế, nhiều cao tăng Việt Nam đã sang cả Ấn Độ và các nước lân cận khác để thỉnh kinh hoặc giảng đạo. Trong sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Tịnh có ghi tên sáu vị sư người Việt. Khoảng năm 664-665 sư Vận Kỳ người Giao Châu, cùng với sự Đàm Nhuận người Lạc Dương xuống Nam Hải học đạo sư Tri Hiền (tức Jnanabhadra) người Java. Sư giỏi tiếng Phạn, tiếng Mã Lai. Sau mười năm du học, sư Vận Kỳ đã mang kinh Agama về Giao Châu; chạy ngực trạm đến Trường An dâng cho vua Đường, trở về Giao Chỉ, giao tiếp với các tăng ni, được tặng vài trăm tấm lụa. Vào lúc 40 tuổi, sư trở lại Java hoàn tục ở Sumantra. Sự Mộc Xoa đi thuyền xuống phía nam, du ngoạn qua nhiều nước đến chùa Đại Giác (Mahabodha) cũng như hầu khắp các chùa, đền. Sư mất sớm, lúc mới 24, 25 tuổi.

Pháp sư Khuy Xung có tên Phạn là Citradeva, là đệ tử của sư Minh Viễn, cùng thầy đi thuyền xuống Nam Hải, qua Srilanca, xuống phía tây Ấn Độ, gặp sư Huyền Chiếu, rồi cả ba cùng đi đến thành Vương Xá (Kucagapura). Chẳng may, sư bị bệnh, mất ở Venuvana mới 30 tuổi.

Sư Tuệ Diễm là đệ tử của sư Tri Hạnh theo thầy tới Srilanca rồi ở lại đó tu hành. Sư Tri Hạnh người châu Ái có tên Phạn là Prajnadeva, xuống Nam Hải đến Ấn Độ đi lễ Phật khắp nơi, tới tận miền bắc sông Hằng.

Thiền sư Đại Thừa Đăng, có tên Phạn là Mahayanapradija, theo cha mẹ từ lúc còn nhỏ lênh đênh trên thuyền, đến Dvaravati – vương quốc Môn ở lưu vực sông Meenam rồi mới xuất gia tu Phật. Sứ giả nhà Đường là Diễm Tự đưa sư về kinh đô Trường An, vào chùa Tự Ân theo học pháp sư Huyền Trang. Sau vài năm sư đã đọc hết kinh sách, rồi lại vượt biển đi Srilanca vọng bái răng Phật, qua nam Ấn Độ, đến nhiều vùng đất Phật. Năm 60 tuổi sư thị tịnh ở chùa Parinirvana trong thành Kushinagara(7).

Phật giáo Việt Nam ở địa phận Giao Chỉ của buổi đầu du nhập là Phật giáo Theerravada. Hai thiền sư khởi xướng thiền học và cũng là những người đầu tiên mở ra quan hệ giữa Phật giáo Luy Lâu với Phật giáo Trung Quốc thời Hán. Mối quan hệ tôn giáo Việt – Trung từ thế kỷ VI đến hết thế kỷ IX đã tạo ra sự "bác học háo dân gian” của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ đã hòa nhập với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa Việt Nam, giờ đây đang khởi sắc, phát triển trên một chặng đường mới theo phái Đại thừa với tất cả quy mô hoàn thiện.

Theo Lê Mạnh Thát thì từ năm 40-41 trước C.N. ở Việt Nam đã có chữ viết. Tác giả dẫn sách Thuyết uyển do lưu Hướng sưu tập, có chép bài Việt ca bằng chữ Việt rồi dịch ra chữ Hán. "Và tiếng Việt như thế không chỉ hiện diện như một ngôn ngữ của giống người Việt, mà còn như một ngôn ngữ có chữ viết tương đối hoàn chỉnh, để cho Lưu Hướng có thể chép lại nguyên văn cùng bản dịch tiếng Sở của nó có từ một văn bản nào đó, trong bí phủ của hoàng cang nhà Hán. Sự kiện Việt ca được chép cả nguyên bản lẫn dịch bản chứng tỏ người viết bản gốc ấy tương đối thông thuộc cả hai ngôn ngữ cùng hệ thống chữ viết của chúng”(8).

Phân tích cấu trúc từ tiếng Việt cổ, Lê Mạnh Thát "nghiên cứu qua Lục độ tập kinh chứa đựng một nét khiến ta nghi ngờ nó không phải là một dịch phẩm nguyên bản tiếng Phạn. Chẳng hạn, truyện 49 của Lục độ tập kinh 5 tờ 28a 22-24, có câu phát biểu của anh thợ săn nói rằng: "[Tôi] ở đời lâu năm thấy nho sĩ tích đức làm lành, há có bằng đệ tử Phật quên mình cứu mọi người, ở ẩn mà không dương danh?” – thì rõ ràng, nếu Lục độ tập kinh do "thánh hiền soạn ra” thì chắc chắn không phải do "thánh hiền phương tây” (tức Thiên Trúc hay Ấn Độ) vì "phương tây” thời ấy làm gì có "nho sĩ” của phương đông? Do vậy, đây phải là một phát biểu của "thánh hiền phương đông”, mà trong trường hợp này lại là một thánh hiền của nước ta; để đến năm 251, Khương Tăng Hội mới dịch nó ra tiếng Trung Quốc”(9). Sách Lục độ tập kinh về sau này còn được tăng bổ và lưu hành ở Việt Nam, được tập đại thành lại "khoảng những năm 138 trở đi đến năm 220 thì có thêm Cựu tạp thí dụ kinh và Tạp thí dụ đều là tiếng Việt”.

Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, chữ Hán được coi như quốc ngữ của các xứ giao Châu, Cửu Châu, Nhật Nam. Tầng lớp trí thức dần dần theo Nho giáo, học hành thi cử bằng giáo trình có sẵn của Trung Quốc như Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử. Người đỗ đạt có kẻ không ra làm quan mà về ở chùa nơi thôn dã, mở lớp học bình dân. Nhiều sử sách Phật giáo, văn bia chùa đều con ghi lại. Ở mức cao hơn, sau khi học hết Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử), Ngũ kinh (Kinh thư, Kinh xuân thu, Kinh thi, Kinh dịch, Kinh lễ) các Nho sĩ thi tột bậc tiến sĩ thì đi nhậm chức ở các trấn xứ hoặc làm quan trong triều.

Chữ viết đồng dạng nhưng người Việt đọc theo âm Việt, nên tiếng nói vẫn khác nhau. Ấy là chưa tính đến việc sáng tạo chữ mới trong từ Hán Việt và cả một hệ thống chữ Nôm, theo phép giả tá và hình thanh. Bài văn khắc chuông đồn ở Đồ Sơn năm 1076 do sư Hương Tâm và cư sĩ Đại Ác – là tác giả của bốn ngôi chùa lớn xứ Nam thời Lý. Văn bia khắc vào các chất liệu đồng và đá ở dạng chuông, khánh, bia… không chỉ lưu giữ tài liệu lịch sử mà còn là văn bản chữ viết để người đời học hỏi và suy nghiệm. Không những thế, các kiểu thư pháp nhà chùa đã khắc họa nhiều dạng chữ "vạn” chữ "phật”, chữ "phúc” khá điêu luyện đã lôi cuốn trí sáng tạo của các nhân tài thi sĩ đời sau.

Sách đồng, sách in giấy dó bằng bản khắc gỗ lưu truyền ở chùa và khắp cõi nhân gian và công cụ đào tạo và giáo dục không chỉ cho tăng sĩ, mà đối với mọi đối tượng có ý thức học hỏi đều được sử dụng. Vả lại, khi phật giáo đã Việt hóa thì tư tưởng dân tộc cũng biểu hiện qua sáng tạo ngôn ngữ, chứa đựng tầm cao trí tuệ của nhiều tác giả có danh tiếng. Lý Tử Tấn (1378-1460) viết Pháp Van cổ tự bi ký rồi cũng bộc lộ; Cang dương tứ ngược cừu bất vũ

Kỳ đảo tiếp ứng như thủ thường

Nghĩa là:

Khi gặp tiết trời hạn hán

Cầu đảo liền linh cảm luôn luôn(10)

Ở thời Nho học thịnh trị, một tiến sĩ viết về chùa Pháp Vân như thế. Dưới dạng truyệnthơ Nôm phỏ biến bằng văn học dân gian, nhiều đức Phật bản địa Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ là nữ thần, các tác phẩm cụ thể như: Cổ Châu Phật bản hạnh của Viên Thái (1400-1460), Nam Hải quán thế âm (khuyết danh), Quan Âm của Đỗ Trong Dư (1876-1868)… đã trở thành sách "gối đầu giường” để cho mọi người vừa học thuộc lòng vừa biết thêm chữ nghĩa.

Chỉ tiếc rằng, thời Bắc thuộc, tài liệu sách vở, bia ký của Việt Nam đã bị hủy hoại tàn nhẫn. Chỉ dụ của Minh Thành Tổ ngày 14-5-1407 có đoạn: "Phàn An Nam có tất thảy các sách vở, văn tự gì, kể cả câu lý dân gian, các sách dạy trẻ và tất cả các bia mà xứ ấy dựng lên, thì một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phá ngay lập tức, chớ để sót lại”. Thế nhưng chi bằng những tàn tích còn lại, sử sách, bia ký trong nước và ngoài nước vãn đủ chứng minh sức sống bền bỉ của chữ viết và cách bảo lưu vốn cổ văn hóa thích ứn với hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam.

Chữ Phạn chỉ được tri thức Phật giáo sử dụng, giữa những người có trình độ học vấn cao của cả người Ấn Độ đến truyền giáo Phạt và những người Việt đã từng du học ở Ấn Độ về nước sử dụng, và nó mau chóng trở thành từ ngữ ở Việt Nam, khi thời thế thay đổi. Ở miền Nam Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng đó, nhưng văn bia của đạo Brahma và đạo Phật còn lưu lại khá nhiều. Song, lối sống gia trưởng và thần vua hóa đã biến chữ viết thành công cụ của giới tu sĩ và trí thức cung đình, nên dân chúng ít được biết đến.

Truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở đồng bằng Bắc Bộ kể: "Vào thời Hùng Vương” là một truyền thuyết đã được Vũ Quỳnh – Kiều Phú ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái­(11) có nói việc Chử Đồng Tử đi tu phật. Sau khi đã thành vợ chồng tình cờ như duyên trời định trước ở một bãi cát bên bờ sông Cái, thì phú thương ngoại quốc đến buôn bán, tôn Tiên Dung, Đồng Tử làm chúa. Có người lái buon nói rằng: "Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua một vật quý, sang năm có thể thành mười dật”. Tiên Dung cả mừng bảo Đồng Tử: "Vợ chồng chúng ta do trời tác thành, đồ ăn thức mặc do trời phú, nay hãy đem vàng cùng phú thương ra hải ngoại buôn bán”.

Trên đường dong buồm đi giao thương, đến vùng Cửa Sót nay thuộc Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh "có núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé thuyền ở đó lấy nước ngọt. Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên gọi là Ngưỡng Quang (Bản chữ Hán A.750 và A.2107 chép là Phật Quang. Theo bản dịch của Đinh Gia Khánh) truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử lưu học ở đó, giao vàng cho lái buôn mua hàng. Sau lái buôn quay laijam, Chử Đồng Tử về. Sư tặng Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón mà nói rằng: "Linh thiêng ở những vật này đây”)(12).

Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật. Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, cơ nghiệp, rồi cả hai tìm thầy học đạo”.

Câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung xuất gia đi tu theo đạo Phật gợi lại trang sử Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ III trước CN (khoảng 247 – 232) khi phái đoàn sona đi truyền giáo ở vùng Suvanbhumi – tức vùng Đông Nam Á lục địa. Sách Đạo giáo nguyên lưu (1845) của An Thiên thì khẳng định: "Trong am có nhà sư tên là Phật Quang, đó là người Thiên Trúc, tuổi hơn 40, truyền pháp cho Đồng Tử”(13).

Từ thế kỷ III trở đi, nhiều truyện kể có nguồn từ Lục độ tập kinh được Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Đại Việt sử ký… dẫn lại. Tất nhiên sự tăng bổ, biến dạng là điều không tránh khỏi trong sáng tác văn học nghệ thuật. Truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân báo oánlà một cách thể hiện khéo léo quan điểm không sát sinh của Phật giáo, đồng thời cũng chỉ ra một loại người vô ơn bạc nghĩa trong quan hệ ứng xử. Cần ghi nhận rằngLục độ tập kinh có chép cả những truyện không liên quan đến Phật giáo như truyện đẻ trăm trứng, các truyện bách thần khác của Việt Nam vốn có từ thời Hùng Vương và đó là văn bản sưu tập lớn nhất, trước Lĩnh Nam chích quái hơn mười thế kỷ. Lê Mạnh Thát cho rằng: "Lục độ tập kinh chứa đựng một lượng lớn những cấu trúc câu văn không theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, mà theo ngữ pháp tiếng Việt… cung cấp cho ta một lượng lớn thông tin, để phác thảo lại diện mạo tiếng Việt cách đây gần 2.000 năm”… "Lục độ tập kinh bao gồm những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất và tích cực nhất của toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo nguyên thủy, nêu mẫu người lý tưởng, gồm hai phẩm chất chính yếu là tình thương và trí tuệ, làm điển hình cho cuộc sống nội tâm và xã hội cuart người phật tử, kiến tạo mối quan hệ gắn bó chặt chẽ keo sơn giữa Phật giáo và dân tộc”… "Từ những kiến thức hết sức chính xác của các khoa học thực nghiệm như khẳng định thai nhi ở bụng mẹ 266 ngày, cho đến các phong tục tập quán, kiểu liệm người chết bỏ vàng bạc, ngũ cốc vào miệng hay ngứa nách, máy mắt… từ việc lấy cây chuối làm hình nộm cho đến chuyện đem chuột nướng bán làm thịt, nó cung cấp cho ta nhiều dữ kiện, để nghiên cứu lịch sử khoa học, kỹ thuật Việt Nam cùng truyền thống văn hóa dân tộc”(14).

Từ thế kỷ X đến những năm đầu thế kỷ XX, văn học phật giáo viết bằng chữ Hán Nôm Việt Nam, kể có hàng trăm tác giả. Các thiền sư Ấn Độ, Trung Quốc đến cư trú và truyền giáo tại các chùa Việt Nam cũng đã làm thơ, dịch kinh và viết văn, tạo ra những tác phẩm văn học Phật giáo dân tộc từ trước thế kỷ X. Nhiều tác giả văn học không chỉ ghi danh trong sử sách Việt Nam và Trung Quốc, mà mỗi cuộc đời con người cụ thẻ còn được huyền thoại hóa gắn liền với lịch sử dân tộc. Tính danh và sự nghiệp, trí tuệ và niềm tin, sự thật và thêu dệt về nhiều vị cao tăng Việt Nam thời Lý, Trần, khiến cho văn hóa Phật giáo Đại Việt lung linh sắc màu, tiềm ẩn một nội lực sáng tạo.

Truyện thơ Cổ Châu Phật bản hạnh kể lại sự tích Man Nương và nguồn gốc ra đời hệ thống thờ Tứ Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ xưa kia.

Đến thời Hồng Đức niên gian

Dựng làm lễ hội đưa con lên chùa

Đặc biệt, đức Phật Man Nương ở chùa Dâu được kinh sách ghi lại là sinh ngày 8 tháng 4 trùng với ngày Phật đản, hiện vẫn được tôn kinh, tín nghĩa. Kinh Cổ Châu Phật bản hạnh đã viết:

Phật sinh xuất thế, thiên hạ phong lưu

Việt Nam đất, hiệu Giao Châu

Nhìn xem cảnh vật địa đầu sơn xuyên.

Trong hệ thống lễ hội các chùa Tứ Pháp, lễ tắm Phật rất được Phật tử cẩn trọng. Có thể nói, hội chùa Dâu là lễ hội tôn giáo đồng nhất kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca và đức Phật Man Nương làm một, với lễ cầu mưa lớn nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Dĩ nhiên trong dân gian ở mỗi nơi vẫn có nhiều dị bản khác đi chút ít: "Man Nương là con gái ông Tu Định, vào chùa Linh Quang xin học Phật. Sư Khâu Đà La trụ trì ở chùa thường đi thuyết pháp ở xa, nhiều lần trở về chùa vào lúc đêm khuya. Man Nương hay ngủ quên nên có hôm ra cửa nằm đón thầy. Sư Khâu Đà La về khuya vô tình bước qua nên Man Nương có thai, bỏ chùa về nhà đẻ. Cha mẹ đuổi Man Nương, Man Nương vào rừng dựng am cỏ ở, đợi ngày sinh con. Sinh con xong, Man Nương bế con đến chùa trả sư. Sư đặt đứa trẻ vào gốc cây dâu (dân làng Mãn Xá ở Thuận Thành – Bắc Ninh kiêng tên húy, nói chệch là cây du), cây bỗng nứt thân, chừa ra một khoảng trống để đứa trẻ nằm lọt vào giữa rồi khép lại. Mấy nưm sau, một cơn mưa bão lớn làm đổ cây. Cây trôi theo dòng nước đến Luy Lâu thì dừng lại. Sĩ Nhiếp cho người kéo cây gỗ thì không ai kéo được. Khi Man Nương đến nơi, tung dải yếm ra kéo thì cây gỗ nhẹ nhàng lên bờ. Thấy sự lạ, dân làng cho cắt cây gỗ làm bốn đoạn để tạch tượng thờ. Pho tượng thứ nhất vừa tạo xong thì mây đen vần vũ đầy trời nê đặt tên là Pháp Vân. Pho thứ hai tạc xong thì trời đổ mưa ầm ầm nên đặt tên là Pháp Vũ. Pho tượng thứ ba tạc xong thì sấm nổi đùng đùng nên đặt tên là Pháp Lôi. Pho tượng thứ tư tạc xong thì chớp lửa loang loáng nên đặt tên là Pháp Điện.

Bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tạc xong định đưa vào bốn chùa ở quanh vùng để thờ nhưng không ai khiêng lên được. Man Nương biết là khi cưa gỗ, đứa bé hóa đá ở phần giữa cây bị nhóm thợ đẩy xuống sông. Bà vớt lên đem về chùa gọi là Thạch Quang. Lúc ấy dân làng mới khiêng nổi tượng về các chùa Thiền Định (tức chùa Dâu), Thành Đạo, Phi Trương và Trí Quả ở quanh vùng. Tương truyền, khi Man Nương bỏ chùa về nhà, sư Khâ Đà La có đưa cho một cây gậy. Nếu cắm gậy xuống đất thì có nước trào lên. Gặp khi hạn hán, Man Nương lấy gậy cắm xuống đất đem lại nguồn sống cho mọi người. Có nơi kể là "sư Khâu Đà La niệm chú, hô phong đảo vũ” thì trời mưa.

Tuy nhiều lớp văn hóa đan xen như thế, tựu trung tích Phật Man Nương và Tứ Pháp trong lễ hội chùa Dâu vẫn tập trung chủ đề cầu mưa thuận gió hòa cho cây cối xanh tươi, con người sinh sôi nảy nở.

Truyện Quan Âm Thị Kính phản ánh cụ thể quan niệm kiếp luân hồi của đạo Phật thông qua nhân vật Thị Kính, đến lúc tu thành chính quả mới có pháp danh là Kính Tâm. Truyện chỉ nói đến kiếp thứ mười của một chàng trai đã tu luyện qua chín kiếp. Thác Sinh là con gái họ Mãng, lớn lên tài sắc vẹn toàn. Được cha mẹ gả cho Thiện Sĩ, vô tình mắc oan rồi lại vào ở chùa. Ngay ở cửa chùa Thị Kính vẫn bọi người đời ở "cõi tục” vu oan. Vì "cứu một người phúc đẳng hà sa” nên Thị Kính phải tiếp tục "giả trai” làm cha nuôi đứa bé khôn lớn. Kết thúc kiếp thứ mười, Kính Tâm chứng quả thành Phật. Vì mê muội tối tăm, Thiện Sỹ hóa thành con vẹt:

Truyền cho nào tiểu Kinh Tâm

Phi thăng làm Phật Quan Âm tức thì

Lại thương đến đứa tiểu nhi

Lên tay cho đứng liền khi bấy giờ

Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ

Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên.

Truyện Quan Âm Nam Hải có thể coi như một tuyên ngôn của người Việt "có căn tu hành” bằng hình tượng văn học. Câu chuyện được liên hệ với di tích lịch sử văn hóa chùa Hương Tích của Việt Nam rất thuần thục, gắn bó. Chỉ còn tên gọi của vua Diệu Trang và tên nước Hương Lâm là xa lạ với lịch sử của người Việt.

Diệu Thiện hóa thành Phật Quan Âm "nghìn tay nghìn mắt”. Hai đệ tử là Thiện Tài mồ côi từ nhỏ và Long Nữ con gái Long Vương được Quan Âm cứu nạn luôn theo giúp việc. Khi vua cha bị bệnh hủi, Quan Âm hóa một thân trở lại là công chúa Diệu Thiện, móc mắt cắt tay chữa lành bệnh cho cha. Vua cha lại gặp nạn cướp ngôi, cả nhà gồm cha, mẹ và hai chị gái đều theo nhau về chùa Hương Tích tạ ơn cứu giúp. Khi họ đến chùa Hương thì mới biết chính Diệu Trang đã làm nên mọi việc để cứu giúp cha mẹ và hai chị. Cha mẹ Diệu Thiện phát tâm công đức, bỏ ác làm thiện, Phật cho Diệu Thiện lành cả hai tay hai mắt. Diệu Thanh thành Văn Thù bồ tát cỡi sư tử xanh, Diệu Âm cỡi voi trắng thành Phổ Hiến bồ tát. Tích truyện Quan Âm Nam Hải chứa đựng tất cả các yếu tố tư tưởng của Đạo giáo, Nho giáo nhưng hướng tâm vào Phật giáo. Công chùa Diệu Thiện tu thành chính quả là Phật Quan Âm, thì tất cả các vị bồ tát, "tam phủ công đồng” đều quy phục.

Lễ hội chùa Keo ở Thái Bình mỗi năm tổ chức hai lần, vào dịp sau tết Nguyên đán ngày 4 tháng Giêng và 14 tháng chín âm lịch. Diễn xướng dân gian trong lễ hội phỏng theo hành trạng cuộc đời của thiền sư Không Lộ. Giữa chặng đường đi của đám rước có hình ảnh bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá, cùng sáu con rối gỗ khác đón chào.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý được phối thờ cùng đức Phật Thích Ca và cả hệ thống các vị phật khác, được coi là linh hồn chủ yếu của lễ hội chùa Láng và chùa Thầy (Hà Nội) là một hiện tượng tâm lý tôn giáo giống như hiện tượng hình thành Phật bản địa ở chùa Keo.

Cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh có hai chặng đường khá minh bạch. Khi chưa xuất gia thì tu luyện đạo pháp để trả thù cho cha. Khi đi tu phật thì từ bỏ mọi ham muốn, nghiệp lực dồn vào từ thiện, làm công đức, noi gương Phật Thích Ca để truyền pháp, giảng đạo. Công trạng của thiền sư được dân ghi nhớ. Hội chùa Thầy diễn ra trùng với hội chùa Láng nhưng khác về hình thức vào ngày chính hội là ngày 7 tháng 3.

Sơ lược nhìn lại diễn trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, rõ ràng là khi đã "bén rễ nảy mầm”, Phật giáo ở từng địa phương cụ thể đã từng bước thế tục hóa, bản địa hóa để tạo ra diện mạo mới cho phù hợp với đời sống văn hóa ở quê hương mới. Đó là một quy luật phù hợp với thực tiễn, cho dù bất cứ một tín đồ hay một thế lực chính trị, quyền lực hiện đại nào muốn cải giáo hoặc xóa bỏ, đều vấp phải trở ngại khó vượt qua. Vì trên bước đường truyền giáo và phát triển những giáo phái mới, Phật giáo Việt Nam thực sự đã tạo ra được một số vị đức Phật bản địa, có vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các vị thần chủ của đạo Phật. Đó là những đỉnh cao phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

2 – Phật Mẫu Tây Thiên, một hiện tượng độc đáo của tính thế tục hóa tôn giáo ở Vĩnh Phúc

Đạo Mẫu là một loại hình tôn giáo đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Kết luận này được minh chứng bởi khá nhiều kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học chuyên sâu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn từ giữa thế kỷ XX đến nay. Nếu căn cứ vào bốn tiêu chí: có giáo chủ, có tổ chức giáo hội, có kinh sách và có một hệ thống tín đồ thường xuyên thì Đạo Mẫu ở Việt Nam có đầy đủ mọi tiêu chuẩn quốc tế. Đó là hệ thống thần thờ tam tòa tứ phủ ở nơi chính điện cùng với các biểu tượng "các hàng quan lớn” đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và các ông Hoàng, các bn Cô, ban Cậu, các ông Thánh thiêng vốn là nhân thần xuất hiện trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII. Đây là một tôn giáo bản địa ở Việt Nam được hình thành ngay từ thời Hùng Vương, trê cơ sở từng bước dung nạp các vị thần linh trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Việt; nhưng phải đến thời Hậu Lê mới có cơ hội hoàn thiện. Theo bốn tiêu chí nghiên cứu xã hội học tôn giáo quốc tế, thì Đạo Mẫu có giáo chủ là các đức Thánh Mẫu Cửu Thiên, Thượng Ngàn, Liễu Hạnh, Thoái Phủ là những vị thần linh thiêng đã lĩnh hội sự chỉ giáo của đức vua cha Bát Hải đi lại nơi hạ giới cứu giúp loài người tránh khỏi hỏa hoạn, tai nạn; sinh con đẻ cái để bảo tồn nòi giống, giữ vững kỷ cương xã hội. Đằng sau sức mạnh của bốn vị thần chủ, còn có một đội ngũ á thánh chính là các quan, hoàng, các hàng cô, cậu… giúp sức. Kinh sách để quảng bá, mở rộng việc lôi kéo tín đồ chính là hệ thống văn bản hát chầu văn. Về tổ chức giáo hội thì chỉ cần đông đảo các tín đồ họp nhau lại tuyên bố và báo cho chính quyền biết việc thành lập vào bất cứ khi nào, vì thực tế đội ngũ các tín đồ Đạo Mẫu Việt Nam đã quá đông, phổ biến ở cộng đồng người Việt ở khắp nơi, nhất là tại quê hương bản quán của họ. Có tổ chức quy mô của tín đồ thì ngay lập tức giáo hội đạo Mẫu cũng đồng thời hiện diện.

Tuy nhiên, ngay cả khi Đạo Mẫu mới bắt đầu hình thành và trải qua những chặng đường phát triển lâu dài sau này; tục thờ Mẫu của người Việt lúc nào cũng thường trực sinh động trong đời sống văn hóa tâm linh. Nhiều thành phần các dân tộc thiểu số sống xen kẽ, cộng cư cũng tin theo. Song bất luận ở đâu và khi nào, nghĩa vụ báo hiếu cha mẹ cũng được đề cao. Kinh Vu lancó câu:

Công dưỡng dục thâm ân dốc trả

Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền.

Làm con hiếu hạnh vi tiên.

Bèn dùng tuệ nhãn dưới trên kiếm tìm

Ở đây việc tìm hiểu Phật Mẫu Tây Thiên tức là xem xét quá trình thế tục hóa của Phật giáo vào nội dung tín ngưỡng thờ Mẫu tại một địa điểm tiêu biếu trên đất Vĩnh Phúc. Phật thì trên đây bài viết đã sơ lược lạm bàn, còn Mẫu Tây Thiên từ những nguồn chứng cứ nào? Trong kỷ yếu hội thảo Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Thiên năm 2005(15) Đinh Khắc Thuân đã sưu tầm, nghiên cứu tài liệu Hán Nôm tại hai kho lưu trữ Hà Nội và cho biết: "Một số di tích khác thờ Ả Lã Nàng Đê, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Đặc biệt là vị nhân thần hiển thánh thời Hùng Vương là Đảo Sơn Quốc Mẫu tặng Thái phu nhân. Bà có công chiêu lạp dân ấp, bắc cầu, đắp đê, dạy cho dân làm nong nghiệp. Cũng có thể vị Thái phu nhân này là Lăng Thị Cung Tiêu, được phụng thờ ở các di tích thuộc khu vực chùa Tây Thiên”. Và "Nếu chùa Hương được phủ lên lớp Phật thoại về bà chúa Ba hay Phật Bà Quan Âm thì chùa Tây Thiên ngời ngợi hình ảnh vị Thánh Mẫu, vốn là Lăng Thị Cung Tiêu, người phò tá vua Hùng dẹp giặc”.

Sách Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc (2008)(16) lại hiệu chỉnh lại một dị bản truyền thuyết rằng: "Xưa kia ở làng Đông Lộ, có người tù trưởng tên là Lăng Phiêu. Ông có người vợ tên là Đào Thị. Tuy được số quyền thế, giàu có nhưng vợ chồng ông tù trưởng vẫn ăn ở nhân đức với mọi người. Hiềm nỗi cả hai vợ chồng đều đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa có con. Họ bàn tính rồi đưa nhau làm lễ lên chùa trên núi Tam Đảo để cầu tự. Ngủ lại gần chùa, nửa đêm Đào Thị mơ thấy một đám mây vàng sà xuống trước mặt. Trong đám mây vàng ấy có một quần thể tiên nữ khoảng bảy, tám người, ai cũng mải mê ca múa, đàn hát và ngâm thơ. Cuộc vui cứ thế kéo dài đến gần sáng thì đám mây dạt về phái tây rồi dần dần biến mát. Tỉnh giấc, Đào Thị bàng hoàng nuối tiếc, thấy cảm động trong người. Bà mang thai từ đấy. Mười tháng sau Đào Thị sinh ra một người con gái mặt hoa da phấn, sắc nước hương trời. Bốn tuổi nàng đã biết đàn hát. Sáu tuổi nàng thông tinh văn võ. Lúc ấy cha mẹ mới đặt tên nàng là Lăng Thị Thẩm, hiệu Nhược Cẩm. Cho đến năm 11, 12 tuổi Thẩm đã trở thành cô gái đoan trang, nền nếp, có đủ cả công dung ngôn hạnh.

Đúng lúc ấy, giặc Thục kéo đến xâm lấn bờ cõi Văn Lang. Lăng Thị Thẩm đứng ra chiêu tập binh sĩ, luyện quân đánh giặc cứu nước. Chẳng bao lâu, bà tuyển mộ được 3.000 người, đồng tâm hiệp lực theo bà lên Phong Châu xin lệnh vua Hùng ra quân đánh giặc. Trong số quân sĩ được tuyển mộ ấy, làng Đông Lộ có 50 tráng đinh, các làng Quan Nội, Quan Ngoại mỗi làng được 150 người, làng Khuyết Trung 10 người, còn lại gồm nhiều tráng đinh ở các vùng lân cận.

Khi kéo quân đến Phong Châu ra mắt vua Hùng, nữ tướng Lăng Thị Tẩm được vua Hùng giao cho 10 vạn quân tinh nhuệ và 3000 con ngựa chiến, ra trận đánh giặc Thục. Thắng trận trở về, vua Hùng phong cho bà là Tam Đảo sơn trụ quốc đại vương.

Đất nước trở lại thanh bình, bà trở về quê hương sinh sống, Bà cho xây dựng tả cung ở làng Quan Nội, hữu cung ở Quan Đình và Nhân Lý, hạ cung ở Khuyết Trung. Tây Thiên được chọn làm nơi ở của bà. Sau khi tóm tắt truyền thuyết, các tác giả sách Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc suy luận chứng cứ rồi kết luận: "Đông Lộ là nơi sinh. Đình Đông Lộ nay gọi là đền Mẫu Sinh. Đền Xóm xím (cũng thuộc Đông Lộ) là nơi mất, nay gọi là đền Mẫu Hóa. Ở ngay cổng đền còn cái giếng cổ, gọi là giếng Tắm. Đình làng Sơn Đình là nơi bà luyện tập quân sĩ.

Rõ ràng trong tâm thức nhân dân vùng xã Đại Đình cổ xưa, bà Quốc Mẫu là nhân vật có thật, xuất thân từ vùng nông thôn hẻo lánh, dân dã. Do tài năng và uy tín tập hợp được lực lượng, giúp nước đánh giặc, trở thành một vị tướng tài ba ở thời đại vua Hùng Duệ Vương…”(17).

Khảo sát nhiều bản Hùng Duệ Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, dừng lại ở truyện bảnHùng Chiêu Vương trong Ngọc Phả xã Hy Cương, có ghi danh người soạn là Nguyễn Cố (1470), tác giả Lê Kim Thuyên tìm thêm được một dị bản về Quốc Mẫu Tây Thiên: "Mỗi tháng, ngày mồng 1, ngày rằm, vua thường trai giới, ăn chay ngự triều. Bên cạnh cung điện từ xưa có một ngôi chùa, do thánh thượng tiên đế tu luyện tâm thân, khéo dùng thuốc thần, luyện phép thành Tiên, sinh hóa không mất, ngày bay lên trời, không để dấu vết. Đông đảo thần tiên được quyền xuống giúp. Linh hồn bốn vị đại vương trên trời, tám vị bồ tát trong đạo Phật, hai mươi tám vì sao trên trời, với hàng trăm vị thần luôn theo sau bảo vệ. Việc cõi trần gian nhờ thế mà tốt đẹp khác lạ”(18). Ngọc phả kể lại nhiều buổi ngự triều của vua, có buổi các vị thần linh như Sơn Tinh,Thủy Tinh "nơi đầu sông góc bể đều quay về chầu”. Và "hai bên văn võ hầu triều trang nghiêm. Việc vua cung kính dâng lời thấu đến chín tầng trời, khói hương đẹp lạ lùng như làn mây mỏng từ bi của sự thành tâm, cảm động dường như thông cả trời đất. Bỗng có một ông già thân vàng tướng ngọc theo mây cưỡi mưa bay lại. Vua vái chào rồi đón mời ông vào chùa. Ông già nói: - Ta là thần đất ở phía tây đã lâu chơi bời nơi góc bể, thuyền nhẹ lênh đênh, chẳng nhiễm phải thói bó buộc nơi bụi trần. Đường đến cõi Niết Bàn cốt ở sự thành tâm, cảm động về việc đọc kinh kệ truyền vang, khiến ta cảm ứng và đến vậy”. Sau đó vì sùng bái đạo Phật vua còn được gặp nhiều vị nhân thần ở các đời trước hiện về và bốn vị thần nhà Trời (chắc là Tứ Pháp nhưng thời vua Hùng mới xuất hiện là nam thần – vì ngọc phả không nói rõ – T.S.H). Đặc biệt việc vua Hùng Chiêu Vương: "Đến nơi thấy núi non như gấm, như lĩnh, hàng nghìn các lâu đài lớp lớp sáng lóa, vách biếc; suối xanh muôn dòng cùng lăn tăn gợi sóng. Cảnh tượng đẹp đẽ, hoa cỏ đua chen, nho nhỏ nơi đầu núi có một ngôi chùa gọi là chùa Tây Thiên(19). Việc công đức tròn quả, vương lại đến Thạch Bàn để xem xét cảnh tiên. Thấy nơi đây non nước một bầu, khác nào như lạc bước vào chốn bồng lai. Vua lại đến đền Phù Nghì, lập đàn Vọng Sơn, làm chốn ly cung uy nghi để cầu đức hoàng thiên. Vua làm lễ mà khấn rằng: - Nguyện có trời đất xét soi, nay nếu may gặp được thần tiên thì quả là kiếp ba sinh đã trọn hưởng yên vui vậy! Khấn xong, vua làm lễ vái tạ, rồi nghỉ lại ly cung ba ngày mà cũng không hề gặp tiên. Bồi hồi lo lắng, vua không hiểu vì sao lễ lại không thành; bèn đến ngự ở đầu núi Rồng, dựng đàn Vọng Tiên lầm rầm khấn vái. Đêm đến có vị thần linh mách bảo: - Người tiên mà vua đang cầu mong gặp hiện đang ở phía tây núi lớn. Trở lên thì không gặp được, cứ xuôi xuống núi sẽ gặp. Tiên đang đứng đợi nơi cửa rừng!

Xuống chân núi thì quả nhiên vua gặp một người con gái xinh đẹp, vóc dáng lạ thường, đang đứng cạnh ngôi miếu bên đường xem vua xa giá. Vừa lòng về sắc dẹp, vua đưa cô về cung rồi mới hỏi: - nàng là con nhà ai? Nàng từ đâu đến. Cô gái trả lời: - Thiếp vốn là người tiên, [tên là Ngọc Tiêu] giời cho xuống làm con ông tù trưởng ở thôn Đông Lộ; bao năm nương mình nơi lều cỏ, vịnh sử ngâm kinh, ẩn thân ngọc, cất của đẹp, để đợi về tay người anh hùng vậy. Nghe tin bệ hạ giá Tây Thiên, dựng đàn chay xin cầu gặp tiên, bởi vậy thiếp chẳng quản xa xôi mà đến xem. Nay gặp duyên trời định trước tình cờ gặp gỡ quân vương, thiếp xin nguyện ước được hầu hạ trong trướng, chẳng phụ lòng nguyện ước ba sinh. Nghe lời, vua biết là thần trời đã xui khiến cho được hưởng, sai người sắm sửa đầy đủ lễ vật đến nhà trưởng ông ở Đông Lộ dẫn cưới. Trở về thành Phong Châu, vua lập nàng làm chính phi. Chưa đầy một năm sau, Ngọc Tiêu có thai, sinh được một người con trai, phẩm chất thông minh, tài năng vượt trội. Tuổi lớn vua lập làm Hoàng thái tử để nối ngôi, đặt niên hiệu là Hùng Vĩ Vương (Vua Hùng đời thứ VIII – L.K.T. chú thích). Về sau, Vương và Hoàng phi có phép tiên hưởng lộc nước được 200 năm ngang với Kiều Bành, năm tháng hóa sinh không mất”(20). Tìm hiểu thần tích làng Yên Tĩnh ở Lập Thạch, một điểm thờ Quốc Mẫu Tây Thiên , các tác giả còn nêu rõ những lần linh hồn Ngọc Tiêu còn "hô thần sông núi tụ tập giúp” phù hộ cho Hai Bà Trưng ở cửa sông Hát; rồi "Quốc Mẫu hiển linh tại đền bên bờ sông Lô giang dẫn đường cho tướng sĩ tử xung hữu đột, thủy lục hợp binh một trận, đánh đuổi quân Nguyên”. Đến "ngã ba Hạc, Nguyễn Trãi sai người lập đàn cầu đảo, được Quốc Mẫu linh ứng âm phù”. Khẳng định: "Cuộc nhân duyên của bà Lăng Thị Tiêu với Hùng Chiêu vương ở núi Tam Đảo mở ra thời kỳ thịnh trị của quốc gia Văn Lang, phát triển văn hóa và đổi mới phong tục, xứng đáng là thời cực thịnh trong các đời vua thuộc 18 đời vua Hùng. Bà có tư chất của một mẫu nghi thiên hạ.

Trong năm người phụ nữ đẹp của 2622 năm lịch sử Hùng Vương chỉ có hai người được dự phong vào hàng Quốc Mẫu; - Quốc Mẫu Âu Cơ, đền thờ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. – Quốc Mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”(21).

Như vậy, danh tích Quốc Mẫu Tây Thiên đã tương đối thống nhất; rõ ràng là một vị thần nổi tiếng từ thời Hùng Vương. Xuất xứ nửa thiên thần và nửa nhân thần của Quốc Mẫu mang vía sống của người trời, hiện thân xuống trần gian làm người đẹp giúp vua Hùng sinh con và đánh giặc cứu nước. Ngay cả khi bà đã qua đời sau 200 năm tại thế, linh hồn thiêng liêng của bà vẫn phù hộ, cứu giúp cho đời sống dân sinh. Vì thế 54 điểm thờ bà tìm được chỉ riêng ở Vĩnh Phúc và trải thời gian từ thời Lý đến thời Nguyễn đã có sắc vua phong cho bà qua các đời.

Tín ngưỡng thờ thần nữ vốn giữ một thế mạnh trong văn hóa Đại Việt, song đạo Phật cũng được truyền giáo ở vùng này từ trước C.N. Thần nữ Lăng Thị Tiêu có mặt trong hệ thần thờ của đất rừng Tam Đảo từ thời Hùng Vương không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng về tập tục thờ cùng, cách tôn vinh thần tượng. Mặt khác, một khi đạo Lão từ Trung Quốc đã du nhập vào Đạo Mẫu ngay từ lúc đã và đang hình thành cũng đan xen từng khía cạnh nhận thức của người đời, khiến cho hình tượng điển hình của bà ngày một thêm đậm đà trong tâm thức văn hóa người Việt.

Sau gần mười thế kỷ tiếp nhận Phật giáo Tiểu thừa; tông phái Đạo thừa ở miền Bắc Việt Nam từ sau thế kỷ XI trở đi, có sự thay đổi cơ bản với sự ra đời của Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông. Đặc biệt, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, xuất hiện vào thế kỷ XIII, biểu hiện xu thế nhập thế quyết liệt hơn Đại thừa nguyên gốc. Vả lại, Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành một thiền phái duy nhất ở Đông Nam Á, chỉ lấy một số quan niệm cơ bản của Phật giáo Đại thừa, rồi nâng thành luận điểm bằng kinh sách nhằm truyền dạy, giáo hóa có bài bản. Ở đây, bước đầu những tri thức Nho giáo đã được các bậc tri thức dân tộc, cũng như các tác gia thiền sư vận dụng trong trước tác Phật giáo. Sự kết hợp nhuần nhuyễn này đã nâng cao tầm nhận thức văn hóa xã hội, bởi chính các quan chức thuộc các tầng lớp của giai cấp thống trị và các Nho sĩ bình dân. Biện pháp "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo đã ngấm sâu vào nhận thứ xã hội; dung hợp với những nội dung tư tưởng tự giác của Phật giáo; tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đó, không chỉ tác động trực tiếp đến sự hưng thịnh thái bình của đất nước ở thời Lý mà thực tế đến thời Trần; ba lần Đại Việt thắng Nguyên – Mông, là nhờ nội lực nằm trong khối đại đoàn kết dân tộc. Sau gần 200 năm suy thoái dưới thời Lê Trung Hưng, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục phát triển đến hết thế kỷ XVIII như các nước Đông Nam Á khác.

Sau thế kỷ XVIII, Đạo Mẫu Việt Nam phát triển đến độ hoàn chỉnh thì tín ngưỡng thờ nữ thần Lăng Thị Tiêu đã có thời gian hội đủ tất cả những chức năng thế tục như dung nạp thêm vị trí thần rừng, thần trường sinh, thần có tài năng siêu phàm… và trên hết là thần Mẹ vào mình. Vì thế điểm thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong quần thể tín ngưỡng tôn giáo ở đây có vai trò đặc biệt, giữ gìn và phát huy sức sống vô biên của Đạo Mẫu Việt Nam với tư cách là một giáo phái. Là một điểm hội tụ tín ngưỡng thành viên, Quốc Mẫu Tây Thiên góp phần quan trọng nhất trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, thiết thực nhất ở đây là bảo vệ bầu trời – nơi phát sinh linh hồn người mẹ vua Hùng Vĩ Vương – bảo vệ núi rừng – bảo vệ dòng suối, con sông; từng mảnh đất quê hương.

Khoa học kỹ thuật đã chứng minh được tính xác thực của quá khứ, nên những gì biểu hiện của tiêu cực trong tín ngưỡng, tôn giáo thì sẽ bị xã hội loại bỏ dần; đương nhiên tín ngưỡng tôn giáo vẫn tồn tại và thế tục hóa mạnh hơn, nhằm giải tỏa những bức xúc trong cuộc sống; chống lại những cú sốc tâm lý, nhiều khi không rành mạch nguyên nhân, trong quan hệ giữa thiên nhiên xã hội và con người. Đó là những cơ sở khoa học, khiến cho chính phủ các nước Đông Nam Á đương đại đều phải tìm cho mình những giải pháp đúng đắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể về vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống văn hóa sao cho phù hợp.

Trước khi diễn ra quá trình tiếp xúc ở mỗi địa bàn cụ thể trong khu vực, mỗi loại hình tôn giáo đều có một lịch sử phát triển hưng suy khác nhau. Đến thời hiện đại, các đảng lãnh đạo, các tổ chức nhà nước đương nhiệm, hầu như đều tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đó là bài học lịch sử cần phải duy trì liên tục, nhằm ổn định tình hình chính trị tư tưởng; định hướng nếp sống an ninh trật tự, đoàn kết mọi lực lượng xã hội để xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng nền văn hóa mới "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tài liệu tham khảo

(1) Thiền uyển tập anh – Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga – Nxb Văn học – H, 1990.

(2) Lê Mạnh Thát – Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Tập I) Nxb TP. HCM, 2001.

(3) Viện Triết học – Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Nxb Khoa học xã hội – H, 1988.

(4) Thủy kinh chú sớ. Nguyễn Bá Mạo dịch, Nxb Thuận Hóa – Huế, 2005.

(5)Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam (Tập I) – Bản dịch của Lê Mạnh Thát – Nxb TP. HCM, 2001.

(6) Trương Sỹ Hùng. Tôn giáo và văn hóa – Nxb Khoa học xã hội, H, 2007.

(7), (8) Lê Mạnh Thát. Việt ca – Nxb…

(9) Lục độ tập kinh. Bản dịch Thích Viên Thành. Nxb Khoa học xã hội. H, 1972.

(10) Cổ Châu Phật bản hạnh. Nxb Khoa học xã hội, H

(11), (12), (13) Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái. Bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San. Nxb Văn học, H, 1990.

(14) Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo… (Sđd)

(15), (16) Mấy vấn đề về Phật giáo ở Tây Thiên Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch Vĩnh Phúc, 2009.

(17), (18), (19), (20), (21) Lê Kim Thuyên, Lê Kim Bá Yên. Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc. Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch Vĩnh Phúc, 2008.

Nguồn: http://daomauvietnam.com

Chủ đề: Văn Hóa Việt Nam | Đăng bởi: Admin_tranducchinh (10/10/2011)
Lượt xem: 473 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số bình luận: 0
dth="100%" cellspacing="1" cellpadding="2" class="commTable">
Tên bạn *: Email:
Mã xác nhận *:
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 
            
 Free web hostinguCoz