Hôm nay là Thứ 5, 28/03/2024, 11:01 PM
hmweb-Chia se la niem vui Chào mừng bạn đã ghé thăm Website Văn hóa học Đà Nẵng Online vào Thứ 5, ngày 28/03/2024, lúc 11:01 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của chuyên ngành chúng tôi. Website chỉ hiển thị tốt trên GoogleChrome và Firefox . Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Vanhoahocdanang.ucoz.net
Đăng nhập hệ thống
Đồng hồ - Lịch hệ thống
Liên kết Website hữu ích
Loading Logos...
Khu vực khách ghé thăm
Đánh giá của bạn
Bạn thấy Website này thế nào
Tổng câu trả lời: 7
Thống kê

Đang online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
TK bởi Ucoz từ 14/3/2012
Phim mới cập nhật
Trang lưu bút
Xem TH SCTV Online
Nghe Đài Online
Chuyển đổi ngôn ngữ
EnglishFrenchGermanSpainItalianDutch

RussianPortugueseJapaneseKoreanArabicChinese Simplified
Tìm kiếm
Đọc báo điện tử online
Thời tiết - giá vàng
Hát Karaoke trực tuyến
Nghe nhạc Online
Hỗ trợ trực tuyến
Admin
             : Mr Đức Chính
             : 0985639026

Xem Tivi Online

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
 
 
Trang chủ » Điều » Văn Hóa Việt Nam

Thiên hậu Thánh mẫu trong cộng đồng người Hoa ở Hội An

Võ Văn Hoàng

 

Thiên Hậu Thánh Mẫu

trong tín ngưỡng

của cộng đồng người Hoa

ở Hội An

 

Hội An là một thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ bắc sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Đông Nam. Hội An là đô thị thương cảng hình thành vào cuối thế kỷ XV, phát triển trong suốt các thế kỷ XVI-XVIII, đến thế kỷ XIX, chức năng của thương cảng Hội An suy giảm dần và nay chỉ còn là đô thị vang bóng một thời. Trong thời kỳ thịnh vượng của mình, Hội An là khu vực tập trung buôn bán của thương nhân trong nước và quốc tế, trong đó thương nhân Trung Hoa là một trong những thương nhân ngoại quốc được chúa Nguyễn cho phép định cư trên mảnh đất Hội An, họ đã để lại nơi đây những dấu ấn về đời sống văn hóa độc đáo. Trong đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu - Thần Biển - là một trong những vị thần gắn chặt với đời sống tâm linh của họ.

1. Đôi nét về quá trình hình thành cộng đồng người Hoa ở Hội An:

Sau những phát kiến địa lý vào cuối thế kỷ XV, các nước châu Âu hướng ra nước ngoài tìm kiếm thị trường. Lúc này, Nhật Bản đã thống nhất đất nước và cho phép thương nhân Nhật vượt biển đi giao thương với các quốc gia trên thế giới. Còn ở Trung Quốc, lệnh "bế quan tỏa cảng” từ đầu triều đại nhà Minh nay cũng được hủy bỏ, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Hoa ra nước ngoài buôn bán, đã làm cho các hoạt động thương mại trên biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên sôi động. Lúc này ở Việt Nam, các chúa Nguyễn cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích thương nhân ngoại quốc đến Đàng Trong buôn bán, nhằm phát triển kinh tế và củng cố quyền lực chính trị của mình. Vì vậy, đã tạo điều kiện cho Hội An sớm trở thành một trong những thương cảng quốc tế sầm uất.

Thời bấy giờ, việc giao thương trên biển bằng thuyền buồm nên phải phụ thuộc vào chế độ gió mùa. Hàng năm, thuyền buôn từ Trung Quốc đến Hội An thường khởi hành vào mùa xuân, đến mùa hè họ giong buồm lên đường trở về nước. Trong mỗi mùa mậu dịch, họ phải lưu trú lại Hội An từ 3 đến 4 tháng, trong khoảng thời gian này họ tiến hành thu gom hàng để chở về nước. Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên, tốc độ sản xuất, cũng như khai thác, nên họ thường không mua đủ lượng hàng như dự định, nên phải cử người ở lại đi vào những vùng sâu trong nội địa thu mua hàng chuẩn bị cho mùa mậu dịch năm sau.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho họ, Chúa Nguyễn đã cho phép họ được chọn đất, cất nhà, xây dựng đình, chùa, hội quán,… Năm 1618, Cristophoro Borri đến Đàng Trong, ông thấy Hội An là một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng[1]. Năm 1635, Chính phủ Nhật ra lệnh bế quan tỏa cảng, từ đó người Nhật ở Hội An rơi vào tình trạng cô lập, không đủ sức đối phó với thương nhân Trung Hoa đang phát triển mạnh mẽ, dần dần người Hoa tràn sang khu phố của người Nhật và trở thành cư dân chính cư trú và điều tiết mọi hoạt động thương mãi ở Hội An.

Đến giữa thế kỷ XVII, thương cảng Hội An bổ sung thêm một lượng lớn người Hoa từ các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Hoa di cư đến. Vì lúc này ở Trung Quốc loạn lạc khởi nghĩa xảy ra khắp nơi, các bộ tộc người Mãn ở phương Bắc đã liên kết lại với nhau lật đổ nhà Minh, lập nên nhà Thanh và bắt buộc nhân dân trong toàn quốc phải cạo tóc, thắt bím, ăn mặc như người Mãn. Trước tình hình đó, các quan lại, thần dân nhà Minh đã rời bỏ đất nước để tránh sự đàn áp của nhà Thanh, đồng thời cũng để giữ lòng trung tín với triều đình cũ, rất nhiều người đã tìm đến Hội An. Được phép của chúa Nguyễn, họ định cư và hòa nhập vào đời sống của những người Hoa đến trước, hình thành nên những tổ chức làng xã của cộng đồng người Hoa ở Hội An.

Ngày 18 tháng 8 năm 1695, Thomas Bowyear đến Hội An, ông thấy Hội An là một thành phố mà toàn người Hoa ở[2]. Cùng năm, thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán cũng đến Hội An, ông thấy: "Thẳng bờ sông, một con đường dài 3, 4 dặm gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh)”[3]. Cho đến thế kỷ XIX, tình hình di dân của người Hoa đến Hội An vẫn diễn ra. Đến năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, người nhập cư Trung Hoa đến Hội An gần như bị đình chỉ.

2. Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của người Hoa ở Hội An:

2.1. Nguồn gốc thờ Thiên Hậu của người Hoa:

Như chúng ta đã biết, Trung Hoa là một trong những quốc gia nổi tiếng về ngành hàng hải, đồng thời họ có nền thương nghiệp trên biển trải dài hàng nghìn năm qua. Từ xưa, những thương nhân Trung Hoa chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ là có thể giong buồm ra khơi, tiến xuống các quốc gia ở khu vực miền Nam kiếm sống. Thời đó, phương tiện đi lại trên biển chủ yếu là thuyền buồm nên họ phải lênh đênh trên biển hết năm này qua năm khác, trong khi đó biển cả thì bao la và nguy hiểm, còn con người thì nhỏ bé, họ không có một năng lực phòng thủ hiệu quả và phải luôn đối mặt trước sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Mỗi lần giong buồm đi/về, họ luôn cầu nguyện những vị thần mà họ tin rằng những vị thần đó có một khả năng siêu nhiên, có thể cứu giúp họ bất cứ lúc nào. Trong đó thần Biển là vị thần gắn chặt trong tâm thức của họ, mà hiện thân là Thiên Hậu - một cô gái còn trinh trong truyền thuyết.

Thiên Hậu được người Hoa gọi dưới nhiều danh xưng tôn quí khác nhau như: Thiên Thượng Thánh Mẫu (Mẹ Thánh trên trời), Mã Tổ Bà (Bà Tổ), A Phò (Đức Bà, Đức Mẫu),… Người ta cho rằng, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long năm thứ nhất (960), là con gái thứ sáu của Lâm Nguyện - Đô tuần kiểm huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Tương truyền khi Bà mới sinh ra đã có những luồng ánh sáng và mùi hương thơm kỳ lạ xuất hiện, khi lớn lên bà rất hoạt bát và thông minh, đặc biệt Bà có thể cưỡi chiếu lướt trên biển cả, cưỡi mây ngao du khắp thiên hạ nên người ta gán cho Bà danh hiệu "Long Nữ”. Đến tuổi cập kê, rất nhiều người đến cầu hôn nhưng Bà lại không muốn lấy chồng. Đến thời Tống Ung Hy năm thứ 4 (987), khi sắp qua sinh nhật lần thứ 28, Bà nhờ mẹ giúp mình trang điểm thật lộng lẫy, sau đó ngồi trang nghiêm trên ghế và nhẹ nhàng nhắm đôi mắt lại. Mẹ Bà ngửi thấy mùi phấn hương kỳ dị tỏa ra lan rộng ngoài mấy dặm, và một đoàn tiên nữ từ trên trời bước xuống dìu Bà bước lên đuôi rồng và mất hút giữa bầu trời.

Nhiều truyền thuyết còn lưu lại đến ngày nay xoay quanh sự cứu rỗi của Bà. Người ta kể rằng: Thuở còn nhỏ, Bà có bốn người anh đều là những thương nhân sống bằng nghề buôn bán trên biển. Một hôm biển động mạnh, Bà đang ngồi trong khuê phòng một mình, bỗng dưng Bà mắt nhắm lại, tay chân như mất hết sự khống chế, cứ múa loạn liên hồi. Vừa lúc đó, mẹ Bà bước vào phòng, nhìn thấy cảnh tượng như vậy liền hoảng sợ vội gọi cha Bà, cha Bà chạy đến cũng nhìn Bà lo lắng, ông nghĩ con mình nhất định bị dông bão làm cho lo sợ mất hồn, không kìm được ông đã gọi Bà dậy. Bà bàng hoàng như vừa trong cơn ác mộng tỉnh lại, đôi mắt mở to như vẫn còn đang suy nghĩ lo sợ. Ba ngày sau, ba người anh của Bà trở về chỉ trừ người anh cả, họ thuật lại cho cha mẹ nghe về việc gặp cơn sóng thần 3 ngày trước ngoài biển làm bốn anh em mỗi người ly tán một nơi. Chính trong lúc đó có một bé gái đạp sóng đi đến, nắm lấy dây buộc cột buồm, dẫn từng chiếc một vào eo biển tránh gió. Nhưng khi bé gái đang dắt chiếc thuyền của người anh cả, thì bỗng dưng không thấy bé gái đâu nữa, một cơn sóng khổng lồ đã cuốn mất chiếc thuyền người anh. Nghe đến đây cha mẹ Bà đã hiểu, hôm đó con mình không phải bị bệnh mà là đang cứu các anh[4].

Sự thờ cúng Bà ở Trung Quốc đột ngột nảy sinh vào cuối thế kỷ XI, về sau nhiều đền miếu thờ Bà được người Hoa xây dựng ở khắp nơi. Vào năm Tuyên Hòa Tống Vi Tông (1123), Bà nổi tiếng hơn khi cứu một viên quan triều đình là Cấp sự trung Lộ Doãn Địch khi ông phụng mệnh đi sứ sang Triều Tiên, khi thuyền của ông gần đến My Châu thì sóng thần kéo tới, bỗng dưng Bà xuất hiện và dẫn con thuyền đi yên ổn. Năm sau khi ông trở về, Hoàng đế nhà Tống đã ban tặng cho ngôi đền của Bà tên "Thuận Tế Miếu”. Năm 1155, không rõ vì lý do gì bà được phong là Linh Huệ phu nhân, Bà tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi cứu trận hạn hán năm 1187 và 1190 ở Trung Quốc. Năm Tống Quang Hy thứ 3 (1192), do bắt được bọn cướp biển mà Bà được thăng bậc từ tước Phu nhân đổi thành tước Phi và vài năm sau Bà được phong Thánh Phi. Đến đầu thế kỷ XIII, Bà được cư dân vùng duyên hải Nam Trung Hoa thờ tự nhiều. Trên tấm bia đá được dựng năm 1228 tại đền thờ Bà ở Hàng Châu kể lại như sau: có một luồng sáng siêu nhiên bất chợt hiện trong đêm bên bờ biển My Châu, tất cả những người dân ở nơi đó đều mơ thấy một cô gái nói với họ: "Ta là nữ thần My Châu, phải để ta ở đây”. Sau sự kiện này, người dân lập một ngôi đền thờ Bà trên bãi biển. Đến năm 1278, Hoàng đế Mông Cổ là Hốt Tất Liệt phong Bà chức Thiên Hậu[5].

Đến thời Minh Thành Tổ Châu Đệ, Bà nổi tiếng hơn về sự linh ứng của mình bởi Bà đã cứu Trịnh Hòa khi ông dẫn đoàn thuyền buôn của triều đình đang vượt biển đi về phía Tây. Hôm đó bỗng dưng xuất hiện giông bão, đoàn thuyền buôn bị sóng đánh sắp vỡ tan, Trịnh Hoà bèn quỳ xuống khoang thuyền cầu nguyện trời phù hộ, bỗng trên không có tiếng nổ vang dội, một vị nữ thần xuất hiện trên tay cầm chiếc đèn đỏ. Vị thần quát thét gió mây, trong giây lát trời quang biển tạnh. Bà xưng là Thiên Phi công chúa và tặng cho Trịnh Hòa chiếc đèn đỏ và bảo: "Từ nay đi trên biển, ban ngày phải nhìn mặt trời, ban đêm phải nhìn đèn đỏ”. Tương truyền về sau, mỗi lần ra biển, bao giờ Trịnh Hòa cũng mang theo chiếc đèn đỏ và bức họa Thiên Phi. Về sau này, những người Hoa dù sống bằng nghề đánh bắt hải sản hoặc buôn bán trên biển, ngoài chiếc la bàn, hải đồ,… thì người ta đều mang theo chiếc đèn đỏ và bức hình Bà trên những con tàu, người ta đặt trong một cái khám nhỏ và ngày nào cũng hương khói cầu nguyện. Tước Thiên Phi của Bà vẫn được giữ dưới triều Minh và kéo dài cho đến những năm đầu triều đại Mãn Châu. Đến thời Khang Hy nhà Thanh lại phong là Thiên Hậu, nên danh hiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu còn lưu lại đến ngày nay…[6].

Hơn mười thế kỷ trôi qua, từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh và trải dài cho đến tận ngày nay, người Hoa có thể do quá sùng bái Bà nên đã thêu dệt lên hàng trăm câu chuyện có thật (hoặc không có thật) về sự linh ứng của Bà và xây dựng lên nhiều đền miếu để thờ tự Bà. Bà đã trở thành vị thần Biển, vị nữ thần luôn theo cùng con người trên các chuyến hải trình đầy gian nan, nguy hiểm.

2.2. Thiên Hậu Thánh Mẫu trong tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Hội An:

 Con đường di dân của người Hoa đến Hội An chủ yếu bằng đường biển, nên họ đã trải qua những tháng ngày vượt biển đầy khó khăn, nguy hiểm để đến được Hội An. Nhưng Hội An lúc này đã từng là thương cảng dưới thời vương quốc Chămpa và sau này là khu vực tụ cư của người Việt, nhưng vẫn còn là vùng đất hoang sơ, hằng năm mưa gió, bão lụt xảy ra triền miên,… Chính vì vậy, họ luôn mang tâm trạng lo sợ và cảm thấy bất an nên họ nghĩ đến vị thần đã hết lòng giúp đỡ, cưu mang mình trên bước đường vượt biển đến vùng đất mới an toàn. Người Hoa cảm cái Đức lớn của Bà nên đã tiến hành xây dựng Hội quán Ngũ Bang và Hội quán Phước Kiến để thờ tự vị thần đã giúp họ vượt biển an toàn. Việc thờ cúng Thiên Hậu của người Hoa ở Hội An, hầu như được duy trì từ trước đến nay tại Hội quán Ngũ Bang và Hội quán Phúc Kiến, cũng như tại nhà riêng của một số gia đình người Hoa.

Tại Hội Quán Ngũ Bang và Hội quán Phước Kiến, người ta thờ Bà trang trọng ở gian chính giữa của Hội quán, cung thờ Bà được trang trí lộng lẫy với các bao lam được sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh xảo, bên trong đặt tượng của Bà. Tượng của Bà thể hiện hình dáng của một người phụ nữ đang ngồi, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, bên ngoài khóat chiếc áo choàng màu đỏ, thêu kim tuyến, đầu đội mũ, tay cầm bài vị. Hai bên Bà có tượng của hai thuộc hạ là "Thiên lý nhãn” và "Thuận phong nhĩ”, giúp Bà nhìn xa ngàn dặm và nghe thấy tiếng kêu cứu từ ngàn dặm để kịp thời ứng cứu.

Tại Hội quán Ngũ Bang và Hội quán Phước Kiến, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Nhưng ngày vía Bà (ngày 23 tháng 3 âm lịch) được xem là ngày hội lớn của cộng đồng người Hoa ở Hội An, vào những ngày này, mọi người trong và ngoài Bang Hội đem lễ vật và nhang đèn đến cầu cúng rất đông. Đây được xem là dịp để cộng đồng người Hoa gặp gỡ nhau, ôn lại những chuyện đã qua, đồng thời nhắc cho lớp trẻ nhớ đến nguồn gốc của quê hương dân tộc, đồng thời bàn bạc phương hướng giúp đỡ những người trong Bang Hội đang gặp cảnh khốn cùng,.... Ngay từ chiều ngày 22 tháng 3 âm lịch, trong khuôn viên của Hội quán Phước Kiến và Hội quán Ngũ Bang, người Hoa trang hoàng hàng trăm chiếc đèn lồng, cờ hiệu của ngày vía với nhiều kiểu dáng và màu sắc rực rỡ từ trong ra ngoài. Quan trọng nhất là lễ tắm Bà và dâng lên Bà những bộ trang phục, những đồ trang sức mới. Trong lễ tắm Bà, người ta dùng một chiếc khăn mới, mềm, sạch nhúng vào nước và lau bụi bám trên thân tượng. Sau đó, thay cho Bà bộ áo mới đẹp nhất được chọn trong số những bộ quần áo mà những người đem tới dâng cúng.

Đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, người ta tổ chức lễ chính theo nghi thức cổ truyền gắn với tập quán của người Hoa Phước Kiến. Một số lễ vật có nguồn gốc từ tỉnh Phước Kiến, Hoa Nam được bày biện để dâng cúng Bà như bún xào Phước Kiến, bánh bao Phước Kiến, cơm Dương Châu, vịt tiềm bát bửu, khoai nhục,… Ngoài ra còn phải có cá, giò heo, gà, vịt, cua đã được nấu chín và kèm theo heo quay. Buổi lễ diễn ra, tất cả những người tham dự đều đứng nghiêm, sau đó người chủ tế và bồi tế bước vào vị trí của mình. Lúc này chiêng trống được đánh vang, người ta dâng lên hương, rượu, heo quay và sau đó hướng về điện thờ Bà vái lạy 3 lạy. Lúc này người chủ tế đọc văn tế:

Duy:

Công nguyên nhị linh tứ niên, tuế thứ Giáp Thân, tam nguyệt nhị thập tam nhật.

Thiên Hậu Thánh Mẫu bửu đản chi thời, Việt Nam Hội An Phước Kiến. Cập: toàn thể đồng hương đẳng. Cẩn cụ: tiên hoa, sinh quả, thanh tửu, bửu bạch, hương lễ chi nghi, trí tế… vu Thiên Hậu Thánh Mẫu chi linh.Viết:

-    Ế duy Thánh mẫu, khải hậu thừa tiền.

-    Mẫu nghi xưng hậu, thuỷ đức phối thiên.

-    Thần linh hiển hách, đức bị vô biên.

-    Thiên thu trở đậu, tứ hải hinh hương.

-    Đàm ân hạo đảng, huệ cập Nam biên.

-    Kiều dân tao tị, hộ phước vô cương.

-    Hải quốc ba bình, hóa vận mậu vu.

-    Từ hàng hóa bị, bỉ ngạn an nhiên.

-    Phước Kiến quán vũ, kiền thành nhĩ kiên.

-    Báo công sùng đức, điển lễ niên niên.

-    Phục nguyện Thánh Mẫu, biến thiết tân long.

-    Tiêu trừ tai nạn, phong yên tức nhiên.

-    Hân phùng thánh đản, khể thủ điện tiền.

-    Hinh hương trù chúc, bảo hựu ngô dân.

-    Tiến dĩ sinh lễ, hiến dĩ tiên hoa.

-    Duy thần giám chi, lai hưởng lai cách.

Thượng hưởng[7].

Sau khi đọc văn tế xong, người ta tiến hành đốt vàng mã rồi lại hướng về điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu vái tạ ba lạy, như vậy là nghi lễ đã hoàn thành. Sau đó, người ta xin xăm, xin lộc, vay vốn Bà để làm ăn, cầu tự, cầu tài,…

Sau phần Lễ là phần Hội diễn ra, tiệc chiêu đãi tân khách được dọn ra trong khuôn viên của Hội quán, đồng thời cũng diễn ra các hoạt động khác như liên hoan văn nghệ, xổ số cầu may, bán đấu giá lồng đèn, biểu diễn múa lân sư, rồng,... để thu tiền làm những công việc từ thiện,… Lễ vía Thiên Hậu không chỉ thu hút cộng đồng người Hoa, người Việt ở Hội An mà còn thu hút đông đảo bà con các địa phương lân cận cũng như du khách trong nước và quốc tế tham dự.

Trước đây ở Hội An còn diễn ra lễ rước kiệu Thánh Mẫu đi qua các ngõ phố trong tiếng nhạc bát âm rộn ràng, đây là dịp để cho bà con người Hoa chiêm ngưỡng và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với mình và gia đình. Vào dịp này, trước những ngôi nhà của đồng bào người Hoa được giăng đèn, kết hoa, đốt pháo, lập bàn hương án để nghinh đón Bà rất trang trọng. Nhưng sau năm 1975, hình thức rước kiệu này dần không thực hiện, đây là một vấn đề hết sức đáng tiếc mà đến nay vẫn chưa phục hồi lại.

3. Thay lời kết:

Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần bảo trợ của cư dân sông nước vùng Nam Trung Hoa. Hiện nay, bất kỳ khu vực nào trên thế giới có người Hoa cư trú tập trung là nơi đó người ta thờ tự Bà. Ở Hội An, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trải theo thời gian, trong tín ngưỡng Thiên Hậu của người Hoa ở Hội An đã có những nét văn hóa mới được đưa vào trong phần Hội, tạo nên sự phong phú đa dạng của lễ hội nhưng không đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc, đó cũng chính là sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất Hội An trong suốt các thế kỷ qua. Hiện nay ở Hội An, ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu không chỉ dành riêng cho bà con người Hoa mà đã trở thành ngày hội chung, thu hút đông đảo dân cư Hội An, du khách trong nước và quốc tế tham dự.

Điều cần hiện nay là phục dựng lại Lễ rước kiệu Thiên Hậu, bởi nó không phải là một hình thức đồng bóng hay mê tín dị đoan, mà nó là một hoạt động văn hóa của cộng đồng người Hoa, thể hiện sự tín ngưỡng, sùng bái của họ đối với vị thần bảo trợ cuộc sống của mình. Ngày nay ở một số quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn thấy hình thức rước kiệu trong lễ hội diễn ra, cho dù họ đi qua những đại lộ rộng lớn, với những ngôi nhà cao chọc trời nhưng vẫn không có gì là kệch cỡm, là đánh mất đi những nét độc đáo của tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống mà nó càng tôn vinh hơn những giá trị văn hóa cổ truyền. Chính vì vậy, nếu phục dựng lại được lễ rước kiệu thì ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu của người Hoa tại Hội An sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn, đem lại nguồn lợi kinh tế cho ngân sách địa phương hơn mà vẫn bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa tại địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Trần Văn An. Di sản văn hóa nghệ thuật dân gian Hội An. TTQLBTDT Hội An, 2005.

2.        Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích). Nxb TP.HCM, 1998.

3.        Bồ tát ngoại truyện (Dương Thu Ái – Nguyễn Kim Hanh dịch). Nxb VHTT, Hà Nội, 2003.

4.         Nam Nguyễn Đình Diêm. Minh Hương lược khảo. Văn hóa Á Châu, 5/1958.

5.        Herri Maspero. Đạo giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc (Lê Diên dịch). Nxb KHXH, Hà Nội, 2000.

6.        Châu Hải. Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, 1992.

7.        Nguyễn Văn Huy. Người Hoa ở Việt Nam. Paris, 1993.

8.        Vương Kiến Huy, Dịch Học Kim (Chủ biên). Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc. Nxb Thế giới, 2004.

9.        Diệp Truyền Hoa. Hội An kim tích. Hội quán Trung Hoa xuất bản, 1997.

10.     Trần Kinh Hoà. Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An. Việt Nam Khảo cổ tập san, sài Gòn, số 1/1961; 3/1962.

11.     Trần Kinh Hoà. Phố người Đường ở Hội An vào thế kỷ XVII, XVIII và nền thương nghiệp của nó. Tân Á học báo, 3(1) Tân Gia Ba, 1957.

12.     Tsai Maw Kuey. Người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Paris - Thư viện Quốc gia, 1968.

13.     Nguyễn Quốc Hùng. Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An. T/c VHNT, số 8 năm 1998.

14.     Nguyễn Chí Trung. Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử. TTQLBTDT Hội An, 2005.

15.     Thích Đại Sán. Hải Ngoại kỷ sự. Uỷ ban phiên dịch Sử liệu - Viện Đại học Huế, 1963.

 

 

[1] Cristophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích). Nxb TP.HCM, 1998, tr.92.

[2] Nguyễn Quốc Hùng. Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An. T/c VHNT, số 8 năm 1998, tr.42

[3] Thích Đại Sán. Hải Ngoại kỷ sự. UB Phiên dịch Sử liệu - Viện Đại học Huế, 1963, tr.154.

 

[4] Bồ tát ngoại truyện (Dương Thu Ái – Nguyễn Kim Hanh dịch). Nxb VHTT, Hà Nội, 2003.

[5] Herri Maspero. Đạo giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc (Lê Diên dịch). Nxb KHXH, Hà Nội, 2000, tr.258.

[6] Herri Maspero. Sđd. tr.258.

 

[7] Tống Quốc Hưng sưu  tầm và dịch thuật.

 

Chủ đề: Văn Hóa Việt Nam | Đăng bởi: Admin_tranducchinh (26/04/2012)
Lượt xem: 526 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số bình luận: 0
dth="100%" cellspacing="1" cellpadding="2" class="commTable">
Tên bạn *: Email:
Mã xác nhận *:
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 
            
 Free web hostinguCoz